Không báo cáo, tố giác khi biết được hành vi tham nhũng có đi tù không?
Nội dung chính
Không báo cáo, tố giác khi biết được hành vi tham nhũng có đi tù không?
Hành vi không tố giác tội phạm gây khó khăn cho việc điều tra, phát hiện người phạm tội, đồng thời còn gây khó khăn cho việc ngăn chặn kịp thời thiệt hại xảy ra. Điều 390 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định như sau:
Người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 389 của Bộ luật này (trong đó có các tội như: tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ…) đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.
Không tố giác tội phạm bao giờ cũng được thể hiện ở việc không báo với cơ quan Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền việc có hành vi đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện tội phạm mà mình biết. Như vậy người không tố giác tội phạm đã cố ý không hành động mặc dù biết hoặc không biết việc không tố giác tội phạm này là một tội phạm.
Điều luật chỉ quy định một khung hình phạt với mức hình phạt là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Được áp dụng đối với hành vi phải tố giác có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm mà người không tố giác phải biết rõ đây là hành vi tội phạm.
Tại Khoản 2 Điều 19 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định những đối tượng sau đây không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm: ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội. Tuy nhiên họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này nếu người phạm tội đã phạm vào các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.
Hành vi tham nhũng nào sẽ bị xử lý hình sự?
Cho biết những hành vi tham nhũng nào bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015?
Các hành vi tham nhũng bị xử lý hình sự được quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015 quy định tại Chương XXII Mục 1: Các tội phạm tham nhũng như sau:
- Tội tham ô tài sản (Điều 353): Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ 02 triệu đồng trở lên hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; đã bị kết án về một trong các tội phạm về tham nhũng; chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
- Tội nhận hối lộ (Điều 354): Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ 02 triệu đồng trở lên hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm về tham nhũng; chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; lợi ích phi vật chất cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
- Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355): Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 02 triệu đồng trở lên hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này; đã bị kết án về một trong các tội phạm về tham nhũng; chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
- Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356): Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
- Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357): Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
- Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358): Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 02 triệu đồng trở lên hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; lợi ích phi vật chất để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm.
- Tội giả mạo trong công tác vì vụ lợi (Điều 359): Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả; giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
Tội tham nhũng có bị tử hình nếu nộp lại toàn bộ tài sản tham nhũng không?
Theo tôi được biết thì tội tham nhũng là một trong những tội nghiêm trọng và có thể áp dụng mức án cao nhất là tử hình. Tuy nhiên tôi vẫn thắc mắc là trong trường hợp người phạm tội tham nhũng tự nguyện nộp lại toàn bộ tài sản tham nhũng có bị kết án tử hình không? Mong ban biên tập hỗ trợ.
Theo Khoản 3 Điều 40 Bộ Luật hình sự 2015 quy định các trường hợp không thi hành án tử như sau:
- Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
- Người đủ 75 tuổi trở lên;
- Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Như vậy, theo quy định thì khi người bị kết án tham ô tài sản đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra thì không phải thi hành án tử hình.