Khung bản đồ và lưới tọa độ trên bản đồ địa chính được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Khung bản đồ và lưới tọa độ trên bản đồ địa chính được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 26/2024/TT-BTNMT quy định khung bản đồ và lưới tọa độ trên bản đồ địa chính cụ thể như sau:
(1) Khung bản đồ dùng để giới hạn phạm vi trình bày nội dung bản đồ địa chính, gồm khung ngoài và khung trong khép kín, cách nhau 01 xentimét (cm).
(2) Khung trong tiêu chuẩn có dạng hình vuông, kích thước 60 cm x 60 cm đối với mảnh bản đồ địa chính tỷ lệ 1:10.000 và 1:5.000; kích thước 50 cm x 50 cm đối với mảnh bản đồ địa chính tỷ lệ 1:2.000, 1:1.000, 1:500 và 1:200.
(3) Khung trong được mở rộng 10 cm hoặc 20 cm so với khung trong tiêu chuẩn khi biên tập bản đồ địa chính để thể hiện trọn thửa đất trong 01 mảnh bản đồ khi thửa đất nằm trên 02 mảnh bản đồ tiêu chuẩn trở lên hoặc để thể hiện hết nội dung bản đồ ở vùng rìa của khu vực thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính (sau đây gọi là khu đo) nếu nội dung bản đồ ở vùng rìa khu đo đó nằm trọn trong phạm vi thể hiện của khung trong sau khi được mở rộng.
(4) Lưới tọa độ trên bản đồ địa chính là lưới tọa độ vuông góc, được thể hiện tại các giao điểm trục tọa độ X với trục tọa độ Y để xác định khoảng cách 10 cm trên bản đồ, ký hiệu bằng dấu chữ thập (+), gọi tắt là lưới kilômét (km), được xác định theo số chẵn 10 của giá trị tọa độ X và tọa độ Y đối với mảnh bản đồ địa chính tỷ lệ 1:200 và 1:500, chẵn 100 của giá trị tọa độ X và tọa độ Y đối với mảnh bản đồ địa chính tỷ lệ 1:1.000, 1:2.000, 1:5.000 và 1:10.000. Khi lưới km trùng đè lên yếu tố nội dung quan trọng khác của bản đồ dẫn tới khó đọc hoặc nhầm lẫn nội dung thì được phép loại bỏ.
(5) Trình bày khung bản đồ, lưới tọa độ vuông góc và chữ, số, ký hiệu ở khung bản đồ theo hướng Bắc; trường hợp cần trình bày thêm chữ, số ở khung ngoài phía Tây hoặc phía Đông thì thể hiện hướng ra bên ngoài khung bản đồ.
Khung bản đồ và lưới tọa độ trên bản đồ địa chính được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc và mục đích đo đạc lập bản đồ địa chính là gì?
Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định như sau:
(1) Việc đo đạc lập bản đồ địa chính phải đảm bảo các nguyên tắc như sau:
- Đảm bảo thống nhất trong hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia VN-2000;
- Phản ánh trung thực, khách quan hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng quản lý đất và ghi nhận tình trạng pháp lý của thửa đất tại thời điểm đo đạc;
- Ưu tiên ứng dụng công nghệ mới đảm bảo hiệu quả kinh tế, phù hợp với khu vực đo đạc và quy định kỹ thuật về đo đạc lập bản đồ địa chính;
- Bản đồ địa chính sau khi được phê duyệt phải đưa vào sử dụng cho công tác quản lý đất đai.
(2) Bản đồ địa chính được lập để sử dụng cho các mục đích như sau:
- Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai;
- Thống kê, kiểm kê đất đai; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất; trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; điều tra, đánh giá đất đai;
- Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đất; xử lý vi phạm pháp luật đất đai và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai;
- Các mục đích quản lý đất đai khác theo quy định của pháp luật.
Bản đồ địa chính được chỉnh lý dựa trên những căn cứ gì?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định bản đồ địa chính được chỉnh lý dựa trên một trong các căn cứ như sau:
(1) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận);
- Quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất, thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định về thi hành án của cơ quan thi hành án đã có hiệu lực thi hành;
- Kết quả giải quyết tranh chấp đất đai của cấp có thẩm quyền;
- Các quyết định hành chính của cấp có thẩm quyền có liên quan đến thửa đất;
- Quyết định của cấp có thẩm quyền về thay đổi địa giới hành chính, lập đơn vị hành chính mới mà hồ sơ địa giới hành chính đã được thiết lập;
(2) Văn bản của cơ quan có chức năng quản lý đất đai các cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã khi phát hiện có sai sót của bản đồ địa chính hoặc phản ánh về ranh giới thửa đất bị thay đổi do sạt lở, sụt đất tự nhiên;
(3) Văn bản về thay đổi chỉ giới hành lang bảo vệ an toàn các công trình theo quy định của pháp luật;
(4) Văn bản, quyết định của cấp có thẩm quyền có nội dung dẫn đến thay đổi trong chia mảnh và thay đổi số thứ tự mảnh bản đồ địa chính;
(5) Kết quả kiểm tra của Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai đối với trường hợp người sử dụng đất có văn bản phản ánh về các sai khác thông tin của thửa đất.