Mức phí khai thác và sử dụng bản đồ địa chính từ Hệ thống thông tin quốc gia theo Thông tư 56
Nội dung chính
Chi phí khi muốn khai thác và sử dụng bản đồ địa chính từ Hệ thống thông tin quốc gia được quy định mới nhất là bao nhiêu?
Bản đồ địa chính theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Đất đai 2024 được định nghĩa là bản đồ thể hiện các thửa đất và các đối tượng địa lý có liên quan, lập theo đơn vị hành chính cấp xã hoặc theo đơn vị hành chính cấp huyện nơi không thành lập đơn vị hành chính cấp xã, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
Theo đó, quy định về chi phí xem bản đồ địa chính tại Mục I Biểu mức thu phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai từ Hệ thống thông tin quốc gia về đất đa đính kèm Thông tư 56/2024/TT-BTC do Bộ Tài chính quy định mức chi phí để xem tài liệu như sau:
Như vậy, người dân muốn xem bản đồ địa chính thì phải trả các loại mức phí:
- Mức thu 150.000 đồng đối với mảnh tỷ lệ 1:200
- Mức thu 200.000 đồng đối với mảnh tỷ lệ 1:500
- Mức thu 250.000 đồng đối với mảnh tỷ lệ 1:1000
- Mức thu 500.000 đồng đối với mảnh tỷ lệ 1:2000
- Mức thu 750.000 đồng đối với mảnh tỷ lệ 1:5000
- Mức thu 1.000.000 đồng đối với mảnh tỷ lệ 1:10.000
Lưu ý: Mức thu tính cho mảnh bản đồ dạng số Vector. Trường hợp mảnh bản đồ dạng ảnh Raster (geoPDF, PDF, geoTIFF, TIFF, EPS, ECW, JPG) thì mức thu tính bằng 50% mức thu mảnh bản đồ Vector cùng tỷ lệ.
Trường hợp mảnh trích đo địa chính thì mức thu tính bằng mức thu mảnh bản đồ dạng số Vector cùng tỷ lệ
Như vậy, chi phí khai thác và sử dụng bản đồ địa chính trên Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai theo Thông tư số 56/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định có mức phí từ 150.000 đồng đến 1.000.000 đồng tùy theo tỷ lệ quy định.
Mức phí khai thác và sử dụng bản đồ địa chính từ Hệ thống thông tin quốc gia theo Thông tư 56 (Hình từ internet)
Nguyên tắc và mục đích sử dụng của việc lập bản đồ địa chính?
Điều 3 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định Nguyên tắc, mục đích đo đạc lập bản đồ địa chính như sau:
(1) Việc đo đạc lập bản đồ địa chính phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Đảm bảo thống nhất trong hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia VN-2000;
- Phản ánh trung thực, khách quan hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng quản lý đất và ghi nhận tình trạng pháp lý của thửa đất tại thời điểm đo đạc;
- Ưu tiên ứng dụng công nghệ mới đảm bảo hiệu quả kinh tế, phù hợp với khu vực đo đạc và quy định kỹ thuật về đo đạc lập bản đồ địa chính;
- Bản đồ địa chính sau khi được phê duyệt phải đưa vào sử dụng cho công tác quản lý đất đai.
(2) Bản đồ địa chính được lập để sử dụng cho các mục đích sau:
- Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai;
- Thống kê, kiểm kê đất đai; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất; trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; điều tra, đánh giá đất đai;
- Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đất; xử lý vi phạm pháp luật đất đai và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai;
- Các mục đích quản lý đất đai khác theo quy định của pháp luật.
Do đó, việc lập bản đồ địa chính là một hoạt động quan trọng trong công tác quản lý đất đai, nhằm đảm bảo tính chính xác và minh bạch trong quản lý tài nguyên đất.
Quy trình thực hiện việc đo đạc bản đồ địa chính?
Thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính đối với các hoạt động đo đạc lập bản đồ địa chính mà phải lập thiết kế kỹ thuật - dự toán, phương án nhiệm vụ thì thực hiện theo Điều 5 Nghị định 101/2024/NĐ-CP bao gồm:
Thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính
Đối với các hoạt động đo đạc lập bản đồ địa chính mà phải lập thiết kế kỹ thuật - dự toán, phương án nhiệm vụ thì thực hiện như sau:
1. Rà soát, xác định khu vực cần lập bản đồ địa chính: Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh tổ chức rà soát sản phẩm đo đạc lập bản đồ địa chính trên địa bàn, xác định, tổng hợp nhu cầu thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính để báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định khu vực, phạm vi cần lập bản đồ địa chính.
Đối với khu vực thực hiện trích đo bản đồ địa chính thì cơ quan có chức năng quản lý đất đai chấp thuận, cho phép thực hiện đồng thời với quá trình thẩm định phương án nhiệm vụ do chủ đầu tư đề xuất quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật - dự toán, phương án nhiệm vụ: Cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ hoặc cơ quan, đơn vị được giao làm chủ đầu tư (sau đây gọi là chủ đầu tư dự án, nhiệm vụ) có trách nhiệm tổ chức khảo sát khu vực đo đạc lập bản đồ địa chính, lập, trình phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán, phương án nhiệm vụ; chủ đầu tư dự án, nhiệm vụ được lựa chọn đơn vị tư vấn lập thiết kế kỹ thuật - dự toán, phương án nhiệm vụ để thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Thẩm định thiết kế kỹ thuật - dự toán, phương án nhiệm vụ: Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm định nội dung thiết kế kỹ thuật trong thiết kế kỹ thuật - dự toán, phương án nhiệm vụ. Cơ quan thẩm định nội dung dự toán kinh phí trong thiết kế kỹ thuật - dự toán, phương án nhiệm vụ được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngân sách nhà nước.
4. Phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán, phương án nhiệm vụ và bố trí kinh phí thực hiện: Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán, phương án nhiệm vụ và bố trí kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngân sách.
5. Triển khai thiết kế kỹ thuật - dự toán, phương án nhiệm vụ sau khi được phê duyệt, gồm:
a) Lựa chọn đơn vị thực hiện. Chủ đầu tư dự án, nhiệm vụ được lựa chọn đơn vị tư vấn thi công, đơn vị tư vấn giám sát, kiểm tra để thực hiện thiết kế kỹ thuật - dự toán, phương án nhiệm vụ;
b) Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện;
c) Phổ biến, tuyên truyền kế hoạch triển khai thực hiện;
d) Lập lưới địa chính, lưới khống chế đo vẽ (nếu có);
đ) Thu thập thông tin, dữ liệu về thửa đất, người sử dụng đất, người được giao đất để quản lý;
e) Xác định ranh giới thửa đất; lập bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất;
g) Đo vẽ ranh giới thửa đất và các đối tượng địa lý có liên quan;
h) Biên tập bản đồ địa chính; lập phiếu xác nhận kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất; công khai bản đồ địa chính;
i) Lập sổ mục kê đất đai;
k) Ký xác nhận, phê duyệt sản phẩm;
l) Giao nộp sản phẩm.
Như vậy, quy trình đo đạc lập bản đồ địa chính là một chuỗi các bước liên kết chặt chẽ, từ việc xác định khu vực cần đo đạc cho đến việc giao nộp sản phẩm cuối cùng được quy định như trên.