Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được phép mua nhà để ở của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản?
Nội dung chính
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài gồm những ai?
Theo khoản 3 Điều 3 Nghị định 138/2006/NĐ-CP thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài là người có quốc tịch Việt Nam và người gốc Việt Nam đang cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
Như vậy, người Việt Nam định cư ở nước ngoài bao gồm 02 nhóm:
- Người có quốc tịch Việt Nam: cụ thể, căn cứ theo quy định tại Hiến pháp 2013 quy định người mang quốc tịch Việt Nam được hưởng quyền và gánh vác trách nhiệm công dân đối với nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
- Người gốc Việt Nam đang cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài: người có nguồn gốc từ cha mẹ đẻ/ ông bà là người Việt Nam, hiện không có quốc tịch Việt Nam.
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được sở hữu nhà ở tại Việt Nam?
Cụ thể, tại điểm b khoản 1 Điều 8 Luật Nhà ở 2023 thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài là đối tượng được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Và để người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam thì người đó phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và chỉ được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai.
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được phép mua nhà để ở của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản?
Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 15 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 thì việc mua nhà ở có sẵn của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài như sau:
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam được mua nhà ở để sử dụng, kinh doanh.
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà không phải là công dân Việt Nam được mua nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở. Cụ thể, theo điểm b khoản 2 Điều 161 Luật Nhà ở 2023 và khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015, bên mua nhà ở phải đảm bảo các điều kiện:
- Có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch được xác lập;
- Tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện;
- Thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam;.
- Tuân thủ quy định của Luật Đất đai.
Như vậy, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép mua nhà ở có sẵn của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để ở.
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được phép mua nhà để ở của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản?
Hướng dẫn thực hiện giao dịch kinh doanh nhà ở có sẵn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài
Việc thực hiện giao dịch kinh doanh nhà ở có sẵn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Điều 16 Luật Kinh doanh bất động sản 2023, cụ thể theo các bước sau đây:
Bước 1: Các bên ký kết hợp đồng và thực hiện giao dịch kinh doanh nhà ở tuân thủ các quy định sau đây:
- Các bên ký kết hợp đồng có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ thông tin, giấy tờ để xác lập giao dịch, ký kết hợp đồng theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Bộ luật Dân sự; đáp ứng điều kiện đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản; đáp ứng điều kiện về đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật về nhà ở;
- Trước khi ký hợp đồng, bên bán, cho thuê, cho thuê mua cung cấp đầy đủ thông tin và giấy tờ pháp lý của nhà ở cho bên mua, thuê, thuê mua;
- Trường hợp bất động sản được thực hiện giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản thì còn phải thực hiện theo quy định tại Mục 1 Chương VII của Luật Kinh doanh bất động sản 2023;
- Trường hợp bất động sản thực hiện giao dịch thuộc diện phải công chứng, chứng thực hợp đồng giao dịch thì việc công chứng, chứng thực hợp đồng thực hiện theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.
Bước 2: Các bên ký kết hợp đồng có trách nhiệm thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính và nghĩa vụ khác đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Bước 3: Các bên ký kết hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở được thỏa thuận để một bên thực hiện nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với nhà ở đó.
Trường hợp mua, thuê mua nhà ở của chủ đầu tư dự án thì chủ đầu tư có trách nhiệm làm thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho bên mua, thuê mua, trừ trường hợp bên mua, thuê mua tự nguyện làm thủ tục cấp giấy chứng nhận.
Bước 4: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.