Loading


Người Việt Nam định cư ở nước ngoài ủy quyền cho người khác bán nhà ở tại Việt Nam như thế nào?

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được ủy quyền cho người khác bán nhà ở tại Việt Nam khi không có mặt tại Việt Nam? Thủ tục ủy quyền ra sao?

Nội dung chính

    Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được sở hữu nhà ở tại Việt Nam?

    Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được định nghĩa là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

    Bên cạnh đó, tại điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 8 Luật Nhà ở 2023, người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch là đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, để thực hiện quyền này, họ cần đáp ứng hai điều kiện: được phép nhập cảnh vào Việt Nam và việc sở hữu nhà ở phải gắn với quyền sử dụng đất ở theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.

    Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được ủy quyền cho người khác bán nhà ở tại Việt Nam khi không có mặt tại Việt Nam?

    Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 10 Luật Nhà ở 2023, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là chủ sở hữu nhà ở có quyền bán nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình theo quy định.

    Pháp luật hiện hành không có quy định cấm người Việt Nam định cư ở nước ngoài ủy quyền cho người khác thay mình bán nhà tại Việt Nam.

    Theo Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

    Theo đó, trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài không về được Việt Nam để làm thủ tục bán nhà ở thì có thể ủy quyền cho người khác ở tại Việt Nam đại diện thay cho mình để làm thủ tục chuyển nhượng nhà ở đó. 

    Người Việt Nam định cư ở nước ngoài ủy quyền cho người khác bán nhà ở tại Việt Nam như thế nào? (Hình từ Internet)

    Thủ tục ủy quyền bán nhà đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài như thế nào?

    Để thực hiện thủ tục bán nhà, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và bên được ủy quyền lập hợp đồng ủy quyền bán nhà theo quy định tại Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015.

    Theo quy định của pháp luật hiện hành thì không có quy định yêu cầu hợp đồng ủy bán nhà phải được công chứng, chứng thực. Tuy nhiên để đảm bảo tính pháp lý và tránh phát sinh tranh chấp thì các bên giao hợp đồng ủy quyền nên đi công chứng hợp đồng này.

    Căn cứ theo Điều 55 Luật Công chứng 2014, trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.

    Bên cạnh đó, Điều 78 Luật Công chứng 2014 quy định trường hợp bên ủy quyền đang ở nước ngoài, không có mặt tại Việt Nam thì Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được công chứng hợp đồng ủy quyền bán nhà ở theo quy định của Luật này và pháp luật về lãnh sự, ngoại giao, trừ hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng bất động sản tại Việt Nam.

    Như vậy, căn cứ vào những quy định trên thì thủ tục ủy quyền bán nhà đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài cho người khác đang ở tại Việt Nam được thực hiện như sau:

    (1) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài (bên ủy quyền) và bên nhận ủy quyền lập hợp đồng ủy quyền.

    (2) Công chứng hợp đồng ủy quyền: Bên ủy quyền đang ở nước ngoài và bên nhận ủy quyền ở tại Việt nam hai nơi khác nhau, do đó, việc công chứng hợp đồng ủy quyền cần được thực hiện tại hai địa điểm khác nhau. Bên ủy quyền có thể đến cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự quán Việt Nam tại quốc gia mình đang cư trú để thực hiện công chứng hợp đồng ủy quyền. Sau khi hoàn tất, hợp đồng sẽ được gửi về Việt Nam cho bên nhận ủy quyền. Tại đây, bên nhận ủy quyền tiếp tục mang hợp đồng đến tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương nơi mình cư trú để tiếp tục thực hiện công chứng bổ sung vào hợp đồng đó.

    (3) Khi cả hai bước công chứng đã được hoàn tất, hợp đồng ủy quyền sẽ chính thức có giá trị pháp lý. Bên nhận ủy quyền sẽ thực hiện giao dịch bán đất với bên thứ ba theo phạm vi được ủy quyền trong hợp đồng (điểm c khoản 1 Điều 141 Bộ luật Dân sự 2015).

    saved-content
    unsaved-content
    132