Loading


Nhóm đất nông nghiệp gồm những loại đất nào? Nhóm đất phi nông nghiệp gồm những loại đất theo Luật Đất đai 2024 nào?

Nhóm đất nông nghiệp gồm những loại đất nào? Nhóm đất phi nông nghiệp gồm những loại đất nào? Các trường hợp nào thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất?

Nội dung chính

    Nhóm đất nông nghiệp gồm những loại đất nào?

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024 và Điều 4 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì nhóm đất nông nghiệp bao gồm:

    (1) Đất trồng cây hằng năm là đất trồng các loại cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian không quá một năm, kể cả cây hằng năm được lưu gốc. Đất trồng cây hằng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác, cụ thể như sau:

    - Đất trồng lúa là đất trồng từ một vụ lúa trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác được pháp luật cho phép nhưng trồng lúa là chính. Đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại, trong đó đất chuyên trồng lúa là đất trồng từ 02 vụ lúa trở lên;

    - Đất trồng cây hằng năm khác là đất trồng các cây hằng năm không phải là trồng lúa.

    (2) Đất trồng cây lâu năm là đất sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được gieo trồng một lần, sinh trưởng trong nhiều năm và cho thu hoạch một hoặc nhiều lần.

    (3) Đất lâm nghiệp là loại đất sử dụng vào mục đích quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, được phân loại cụ thể như sau:

    - Đất rừng đặc dụng là đất mà trên đó có rừng đặc dụng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đã được giao để phát triển rừng đặc dụng;

    - Đất rừng phòng hộ là đất mà trên đó có rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đã được giao để phát triển rừng phòng hộ;

    - Đất rừng sản xuất là đất mà trên đó có rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đã được giao, cho thuê, chuyển mục đích để phát triển rừng sản xuất.

    (4) Đất nuôi trồng thủy sản là đất sử dụng chuyên vào mục đích nuôi, trồng thủy sản.

    (5) Đất chăn nuôi tập trung là đất xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung tại khu vực riêng biệt theo quy định của pháp luật về chăn nuôi.

    (6)Đất làm muối là đất sử dụng vào mục đích sản xuất muối từ nước biển.

    (7) Đất nông nghiệp khác gồm:

    - Đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm, thực nghiệm;

    - Đất xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, chăn nuôi kể cả các hình thức trồng trọt, chăn nuôi không trực tiếp trên đất;

    - Đất xây dựng công trình gắn liền với khu sản xuất nông nghiệp gồm đất xây dựng nhà nghỉ, lán, trại để phục vụ cho người lao động; đất xây dựng công trình để bảo quản nông sản, chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ và các công trình phụ trợ khác.

    Như vậy, đất nông nghiệp được chia ra nhiều loại đất khác nhau bao gồm: đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất chăn nuôi tập trung, đất làm muối và các loại đất nông nghiệp khác.

    Nhóm đất nông nghiệp gồm những loại đất nào? Nhóm đất phi nông nghiệp gồm những loại đất theo Luật Đất đai 2024 nào? (Hình ảnh từ internet)

    Nhóm đất phi nông nghiệp gồm những loại đất nào?

    Theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024 thì nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm:

    (1) Đất ở, gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;

    (2) Đất xây dựng trụ sở cơ quan;

    (3) Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh (sau đây gọi là đất quốc phòng, an ninh);

    (4) Đất xây dựng công trình sự nghiệp, gồm: đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục, thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác hoặc đất xây dựng trụ sở của đơn vị sự nghiệp công lập khác;

    (5) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, gồm: đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản;

    (6) Đất sử dụng vào mục đích công cộng, gồm: đất công trình giao thông; đất công trình thủy lợi; đất công trình cấp nước, thoát nước; đất công trình phòng, chống thiên tai; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên; đất công trình xử lý chất thải; đất công trình năng lượng, chiếu sáng công cộng; đất công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; đất chợ dân sinh, chợ đầu mối; đất khu vui chơi, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng;

    (7) Đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo (sau đây gọi là đất tôn giáo); đất sử dụng cho hoạt động tín ngưỡng (sau đây gọi là đất tín ngưỡng);

    (8) Đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất cơ sở lưu giữ tro cốt;

    (9) Đất có mặt nước chuyên dùng;

    (10) Đất phi nông nghiệp khác.

    Lưu ý: Điều 5 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết loại đất trong nhóm đất phi nông nghiệp.

    Như vậy, nhóm đất phi nông nghiệp được quy định bao gồm nhiều loại đất đa dạng, từ đất ở cho đến đất sử dụng vào mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh, cũng như các loại đất phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và hoạt động tôn giáo. Sự phân loại này không chỉ giúp quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai mà còn đảm bảo việc sử dụng đất phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

    Các trường hợp nào thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất?

    Căn cứ khoản 1 Điều 82 Luật Đất đai 2024 quy định các trường hợp thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật như sau:

    - Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất bị giải thể, phá sản hoặc bị chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật;

    - Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người nhận thừa kế sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản theo quy định của pháp luật về dân sự;

    - Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn sử dụng đất;

    - Thu hồi đất trong trường hợp chấm dứt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;

    - Thu hồi đất trong trường hợp đã bị thu hồi rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

    Như vậy, Luật Đất đai 2024 đã quy định rõ ràng các trường hợp mà Nhà nước có quyền thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất. Những trường hợp này bao gồm việc tổ chức được giao đất giải thể, phá sản, cá nhân sử dụng đất chết không có người thừa kế, đất hết hạn sử dụng, đất trong dự án đầu tư bị chấm dứt, và đất đã bị thu hồi rừng.

    saved-content
    unsaved-content
    60