Những hành vi vi phạm liên quan đến sổ đỏ cần nên biết

Những hành vi vi phạm liên quan đến sổ đỏ cần nên biết bao gồm: không đăng ký đất đai lần đầu khi cấp sổ đỏ, cố tình chuyển nhượng đất không sổ đỏ,...

Nội dung chính

    Hành vi không đăng ký đất đai lần đầu khi cấp sổ đỏ

    Căn cứ khoản 1 Điều 131 Luật Đất đai 2024 đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao để quản lý đất. Đăng ký đất đai bao gồm đăng ký lần đầu.

    Theo khoản 1 Điều 132 Luật Đất đai 2024 thì đăng ký lần đầu đối với đất đai, tài sản gắn liền với đất được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

    - Thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký;

    - Thửa đất được Nhà nước giao, cho thuê để sử dụng;

    - Thửa đất được giao để quản lý mà chưa đăng ký;

    - Tài sản gắn liền với đất mà có nhu cầu đăng ký đồng thời với đăng ký đất đai trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này.

    Tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 123/2024/NĐ-CP đối với hành vi không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Đồng thời phải thực hiện đăng ký đất đai đai theo quy định pháp luật.

    Lưu ý: 

    - Quy định phạt tiền khi không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu không bao gồm trường hợp đăng ký tài sản gắn liền với đất.

    - Mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP).

    Những hành vi vi phạm liên quan đến sổ đỏ cần nên biết

    Những hành vi vi phạm liên quan đến sổ đỏ cần nên biết (Hình từ Internet)

    Hành vi không thực hiện sang tên sổ đỏ

    Tương tự với việc đăng ký đất đai lần đầu, đăng ký biến động (sang tên sổ đỏ) là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao để quản lý.

    Căn cứ khoản 2 Điều 16 Nghị định 123/2024/NĐ-CP và điểm a khoản 1 Điều 133 Luật Đất đai 2024 thì hành vi không thực hiện đăng ký biến động (sang tên sổ đỏ) khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất trong dự án xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng; chuyển nhượng dự án có sử dụng đất sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng:

    Lưu ý: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có biến động về chủ sở hữu, người sử dụng đất phải thực hiện đăng ký biến động đất đai để cập nhật thông tin vào sổ đỏ (khoản 3 Điều 133 Luật Đất đai 2024).

    - Mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP).

    Cố tình chuyển nhượng đất không sổ đỏ

    Căn cứ Điều 45 Luật Đất đai 2024 điều kiện để chuyển nhượng đất phải có sổ đỏ trừ trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư và trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 124 và điểm a khoản 4 Điều 127 Luật Đất đai 2024.

    Theo đó, hành vi cố tình chuyển nhượng đất không có sổ đỏ là chuyển nhượng đất mà không đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định pháp luật.

    Căn cứ khoản 3 Điều 17 Nghị định 123/2024/NĐ-CP đối với hành vi chuyển nhượng đất không có sổ đỏ sẽ bị phạt như sau:

    - Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thừa kế hoặc tặng cho quyền sử dụng đất;

    - Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cho thuê hoặc cho thuê lại hoặc thế chấp bằng quyền sử dụng đất;

    - Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi chuyển nhượng hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

    Lưu ý:

    - Mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP).

    Dùng sổ đỏ giả thực hiện mua bán đất

    Tùy thuộc vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi sử dụng Sổ đỏ giả trong giao dịch, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

    (1) Xử phạt hành chính

    Căn cứ khoản 3 Điều 27 Nghị định 123/2024/NĐ-CP thì hành vi sử dụng sổ đỏ giả thực hiện mua bán đất đai mà chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì phạt tiền 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

    (2) Có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự

    Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, hành vi sử dụng sổ đỏ giả để thực hiện giao dịch mua bán nhà đất có thể bị xem xét cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" nếu đáp ứng các yếu tố cấu thành tội phạm. Trường hợp giá trị tài sản chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên, người vi phạm có thể đối mặt với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.

    saved-content
    unsaved-content
    48
    CÔNG TY TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT