Loading


Những khu vực mà người nước ngoài không được sở hữu nhà ở tại Việt Nam?

Chuyên viên pháp lý Đỗ Trần Quỳnh Trang
Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Người nước ngoài không được sở hữu nhà ở tại Việt Nam trong những khu vực nào?

Nội dung chính

    Những khu vực mà người nước ngoài không được sở hữu nhà ở tại Việt Nam?

    Căn cứ khoản 1 Điều 16 Luật Nhà ở 2023 quy định về khu vực tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như sau:

    Khu vực tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
    1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định tại Điều 17 của Luật này, trừ dự án thuộc khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
    2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm thông báo các khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định và công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở.

    Đồng thời theo Điều 4 Nghị định 95/2024/NĐ-CP, khu vực cần bảo đảm quốc phòng an ninh bao gồm:

    - Khu vực giáp ranh khu vực trọng yếu cần bảo đảm quốc phòng an ninh;

    - Khu vực giáp ranh các doanh trại, trụ sở của lực lượng vũ trang và khu vực nằm trong quy hoạch đất quốc phòng, an ninh;

    - Khu vực giáp ranh trụ sở, nhà làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan Đảng từ cấp tỉnh trở lên;

    - Khu vực thuộc các xã, phường, thị trấn thuộc biên giới đất liền, biên giới biển, hải đảo theo quy định của pháp luật về quốc phòng an ninh;

    - Khu vực hành lang bảo vệ công trình quan trọng liên quan an ninh quốc gia;

    - Khu vực người nước ngoài không được tạm trú theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

    Theo quy định nêu trên, thì người nước ngoài không được sở hữu nhà ở trong 06 khu vực nêu trên.

    Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh?

    Căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định 95/2024/NĐ-CP Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm như sau:

    Yêu cầu về khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh
    ...
    2. Căn cứ các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm:
    a) Trong thời hạn tối đa 06 tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bảo đảm phù hợp với pháp luật bảo vệ bí mật Nhà nước để thông báo cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) làm căn cứ xác định danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu theo quy định tại khoản 3 Điều này.
    Trong thời hạn tối đa 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xác định danh mục các dự án quy định tại điểm này để thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này;
    b) Trường hợp có sự thay đổi về khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh do điều chỉnh quy hoạch, di dời đến nơi khác dẫn đến khu vực đã được thông báo trước đó không còn yêu cầu phải bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh thì trong thời hạn tối đa 15 ngày, kể từ ngày có quyết định điều chỉnh quy hoạch hoặc có quyết định di dời, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xác định danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu nhà ở theo quy định tại khoản 3 Điều này.
    ...

    Như vậy, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phải xác định các khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh trong 6 tháng và thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xác định danh mục dự án nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

    Nếu có thay đổi về khu vực, thông báo phải được gửi trong 15 ngày để cập nhật danh mục dự án.

    Trường hợp người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam không được gia hạn?

    Căn cứ khoản 3 Điều 6 Nghị định 95/2024/NĐ-CP như sau:

    Hồ sơ, trình tự, thủ tục gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài
    ...
    3. Trường hợp khi hết hạn sở hữu lần đầu mà cá nhân nước ngoài bị cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam quyết định buộc xuất cảnh hoặc trục xuất, đối với tổ chức nước ngoài mà bị buộc chấm dứt hoạt động tại Việt Nam thì không được gia hạn thêm thời hạn sở hữu nhà ở.

    Như vậy, trường hợp không được gia hạn thêm thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với người nước ngoài được quy định như trên. 

    saved-content
    unsaved-content
    45
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ