Loading


Rùa biển vào mùa sinh sản thường tập trung ở hòn nào của Quần đảo Côn Đảo?

Chuyên viên pháp lý Lê Trần Hương Trà
Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Rùa biển vào mùa sinh sản thường tập trung ở hòn nào của Quần đảo Côn Đảo? Nội dung kiểm soát ô nhiễm môi trường biển được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Rùa biển vào mùa sinh sản thường tập trung ở hòn nào của Quần đảo Côn Đảo?

    Quần đảo Côn Đảo là nơi đầu tiên ở Việt Nam thực hiện thành công chương trình bảo tồn rùa biển. Thời điểm hiện tại đã vào mùa rùa lên bờ làm tổ đẻ trứng.

    Tháng 4 đến tháng 11 hàng năm là mùa sinh sản của rùa biển. Vào thời gian này, tại các bãi biển thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo, hàng trăm cá thể rùa biển sẽ lên bờ đẻ trứng. Trong đó hòn Bảy Cạnh là nơi chiếm khoảng 80% số lượng rùa biển đẻ trứng ở quần đảo Côn Đảo. Với tập tính của loài rùa biển thường lên bờ đẻ trứng vào ban đêm, vì thế lực lượng kiểm lâm sẽ phải thức trắng đêm để theo dõi hỗ trợ rùa mẹ đẻ trứng rồi di dời toàn bộ số trứng về hố ấp nhân tạo, đảm bảo an toàn cho những quả trứng rùa, tránh bị thủy triều dâng hoặc các loài động vật khác xâm hại.

    Hòn Bảy Cạnh có diện tích 683 ha, là hòn đảo lớn thứ hai trong quần đảo Côn Đảo gồm hai phần đảo nối liền với nhau bằng doi cát ở giữa gọi là Bãi Cát Lớn. 

    Bãi Cát Lớn trên hòn Bảy Cạnh là 01 trong 14 bãi đẻ trứng của rùa biển Côn Đảo và là bãi biển có số lượng rùa lên đẻ trứng nhiều nhất ở Côn Đảo. Trong mùa sinh sản (từ tháng 4 – 9 hàng năm), đêm ít nhất 1 – 2 cá thể, đêm nhiều có từ 20 – 30 cá thể rùa mẹ lên bãi làm tổ và đẻ trứng.

    Rùa biển vào mùa sinh sản thường tập trung ở hòn nào của Quần đảo Côn Đảo?

    Rùa biển vào mùa sinh sản thường tập trung ở hòn nào của Quần đảo Côn Đảo? (Hình từ Internet)

    Nội dung kiểm soát ô nhiễm môi trường biển được quy định như thế nào?

    Căn cứ tại Điều 43 Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015 quy định về nội dung kiểm soát ô nhiễm môi trường biển bao gồm:

    - Điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải từ đất liền, từ các hoạt động trên biển và hải đảo; tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.

    - Định kỳ quan trắc và đánh giá hiện trạng chất lượng nước, trầm tích, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của các khu vực biển và hải đảo.

    - Điều tra, đánh giá sức chịu tải môi trường của các khu vực biển, hải đảo ở vùng rủi ro ô nhiễm cao hoặc rất cao; công bố các khu vực biển, hải đảo không còn khả năng tiếp nhận chất thải.

    - Phòng ngừa, phát hiện, xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường, các hệ sinh thái biển, hải đảo; cải thiện và phục hồi môi trường, các hệ sinh thái biển, hải đảo bị ô nhiễm và suy thoái.

    - Xác định cấp rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; phân vùng rủi ro và lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.

    - Ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển.

    - Cấp phép, kiểm soát hoạt động nhận chìm ở biển.

    - Phối hợp giữa cơ quan nhà nước Việt Nam và cơ quan, tổ chức nước ngoài trong việc chia sẻ thông tin, đánh giá chất lượng môi trường nước biển; kiểm soát ô nhiễm môi trường biển xuyên biên giới theo quy định của pháp luật.

    - Công khai các vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, thông tin về môi trường nước, môi trường trầm tích của các khu vực biển, hải đảo.

    Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo cần đảm bảo những nguyên tắc nào?

    Căn cứ tại Điều 42 Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015 quy định về nguyên tắc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo cụ thể như sau:

    - Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo phải được thực hiện thường xuyên, ưu tiên công tác phòng ngừa; kịp thời xử lý, khắc phục có hiệu quả tình trạng ô nhiễm, sự cố môi trường biển, suy thoái môi trường biển và hải đảo.

    - Các khu vực biển phải được phân vùng rủi ro ô nhiễm để có giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo hiệu quả.

    - Các nguồn thải từ đất liền, từ các hoạt động trên biển và hải đảo, chất thải không rõ nguồn gốc và xuyên biên giới phải được kiểm soát. Việc kiểm soát các nguồn thải, chất thải phải xem xét đến sức chịu tải môi trường của khu vực biển và hải đảo.

    - Ứng phó có hiệu quả sự cố môi trường biển, kịp thời ngăn chặn lan truyền ô nhiễm trong sự cố môi trường biển.

    - Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.

    saved-content
    unsaved-content
    31
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ