Loading


Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn được quy định như thế nào?

Tôi có một thắc mắc. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn được quy định như thế nào? Văn bản pháp luật nào nói về điều này?

Nội dung chính

    Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn được quy định như thế nào?

    Việc xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn được quy định tại Điều 44 Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2013 như sau:

    1. Đoàn viên, cán bộ Công đoàn, tổ chức, tập thể Ban Chấp hành, tập thể Ban Thường vụ Công đoàn các cấp, nếu vi phạm Điều lệ, Nghị quyết và các quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật công khai, chính xác và kịp thời.
    2. Hình thức xử lý kỷ luật:
    a. Đối với tổ chức, tập thể Ban Chấp hành, tập thể Ban Thường vụ Công đoàn các cấp: khiển trách, cảnh cáo, giải tán.
    b. Đối với đoàn viên: Khiển trách, cảnh cáo, khai trừ.
    c. Đối với cán bộ Công đoàn không chuyên trách: khiển trách, cảnh cáo, cách chức (các chức vụ của Công đoàn).
    d. Đối với cán bộ Công đoàn chuyên trách: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc.
    3. Thẩm quyền thi hành kỷ luật:
    a. Việc khai trừ đoàn viên do tổ Công đoàn hoặc tổ Nghiệp đoàn đề nghị Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn xem xét quyết định. Trường hợp đặc biệt do Công đoàn cấp trên quyết định. Đoàn viên bị kỷ luật khai trừ, sau khi đã sửa chữa khuyết điểm nếu có nguyện vọng thì được xét gia nhập lại Công đoàn.
    b. Việc thi hành kỷ luật một Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn cấp nào do Hội nghị Ban Chấp hành Công đoàn cấp đó xét và đề nghị Công đoàn cấp trên quyết định. Thi hành kỷ luật Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn do Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định.
    c. Việc thi hành kỷ luật tổ chức, tập thể Ban Chấp hành, tập thể Ban Thường vụ do Ban Chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp xét và quyết định.
    d. Việc thi hành kỷ luật Ủy ban Kiểm tra hay các ủy viên Ủy ban Kiểm tra áp dụng hình thức kỷ luật như đối với tập thể Ban Chấp hành và Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp.
    Ngoài ra, nội dung này còn được hướng dẫn bởi Điều 31 Hướng dẫn 238/HD-TLĐ năm 2014 như sau:
    31.1. Kỷ luật một tổ chức công đoàn và cán bộ, đoàn viên công đoàn phải được xem xét tập thể, dân chủ và công khai. 
    31.2. Kỷ luật cán bộ công đoàn: 
    a. Cán bộ công đoàn tham gia giữ chức vụ nhiều cấp công đoàn khi vi phạm kỷ luật thì do công đoàn cấp trên trực tiếp cao nhất quyết định. 
    b. Cán bộ công đoàn chuyên trách không giữ chức vụ bầu cử, nếu vi phạm kỷ luật thì xử lý theo quy định của pháp luật. 
    31.3. Kỷ luật đoàn viên vi phạm Điều lệ do hội nghị tổ công đoàn đề nghị, ban chấp hành công đoàn cơ sở xem xét quyết định khi: Trong một năm đoàn viên bỏ họp 50% số kỳ họp; không đóng đoàn phí liên tục 6 tháng mà không có lý do chính đáng. 
    31.4. Hồ sơ đề nghị kỷ luật gồm: 
    - Văn bản đề nghị và biên bản hội nghị tổ công đoàn hoặc ban chấp hành công đoàn cấp đề nghị. 
    - Bản tự kiểm điểm của tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật. 
    - Các quyết định xử lý hình thức kỷ luật khác của cá nhân khi vi phạm pháp luật (nếu có). 
    31.5. Công nhận đoàn viên đã sửa chữa khuyết điểm: Sau 3 tháng kể từ khi có quyết định kỷ luật, đoàn viên bị kỷ luật có tiến bộ, có nguyện vọng trình bày rõ quá trình sửa chữa khuyết điểm của cá nhân trước tổ công đoàn. Tổ công đoàn đề nghị ban chấp hành CĐCS xem xét. Hội nghị ban chấp hành công đoàn xem xét và công nhận bằng văn bản (cấp nào ra quyết định kỷ luật cấp đó xem xét xóa quyết định kỷ luật). 
    31.6. Xem xét kỷ luật và chấp hành kỷ luật. 
    - Xem xét quyết định kỷ luật hoặc đề nghị kỷ luật phải thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trường hợp bỏ phiếu nếu không đủ trên 50% (trên 50% tính theo tổng số phiếu thu về) số phiếu tán thành kỷ luật hoặc hình thức kỷ luật thì phải báo cáo đầy đủ kết quả bỏ phiếu lên công đoàn cấp trên để xem xét giải quyết. Tổ chức công đoàn có thẩm quyền ký quyết định kỷ luật, phải kịp thời công bố hoặc ủy quyền cho cấp dưới công bố, chậm nhất không quá 15 ngày kể từ ngày quyết định. 
    - Đối với tổ chức, cán bộ, đoàn viên vi phạm không thuộc thẩm quyền của cấp mình thì báo cáo và đề nghị cấp công đoàn có thẩm quyền xem xét, quyết định. 
    - Tổ chức, cán bộ, đoàn viên công đoàn phải chấp hành nghiêm quyết định kỷ luật. Nếu không đồng ý thì có quyền khiếu nại, nhưng khi chưa được tổ chức công đoàn có thẩm quyền giải quyết vẫn phải chấp hành nghiêm quyết định kỷ luật đã công bố. 
    - Trường hợp công đoàn cấp dưới không xử lý hoặc xử lý không đúng mức hình thức kỷ luật, kỷ luật oan, sai thì công đoàn cấp trên phải xem xét giải quyết theo trình tự quy định của pháp luật và xem xét trách nhiệm của công đoàn cấp đó. 
    - Trường hợp bị cách chức chủ tịch hoặc phó chủ tịch thì vẫn còn là ủy viên thường vụ, nếu cách chức ủy viên thường vụ thì vẫn còn ủy viên ban chấp hành; nếu cách chức ủy viên ban chấp hành thì đương nhiên không còn là chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên ban thường vụ. Nếu bị kỷ luật khai trừ đoàn viên công đoàn thì đương nhiên không còn là cán bộ công đoàn. 
    - Thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. 
    Thời hạn xử lý kỷ luật từ khi phát hiện hành vi vi phạm đến khi có quyết định xử lý kỷ luật không quá 02 tháng, trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 04 tháng.

    Trên đây là nội dung về việc xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại  Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2013.

    saved-content
    unsaved-content
    67
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ