Loading


Trưng dụng đất là gì? Những trường hợp nào được phép trưng dụng đất theo quy định mới nhất?

Trưng dụng đất là gì? Các trường hợp nào được phép trưng dụng đất?

Nội dung chính

    Trưng dụng đất là gì? Các trường hợp nào được phép trưng dụng đất

    Trưng dụng đất là việc cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đất đai tạm thời lấy đất của người sử dụng đất để sử dụng một công việc nào đó hoặc do yêu cầu đặc biệt trong một thời gian nhất định.

    Căn cứ theo Điều 90 Luật Đất đai 2024 quy định các trường hợp được trưng dụng đất như sau:

    Trưng dụng đất
    1. Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.
    2. Quyết định trưng dụng đất phải được thể hiện bằng văn bản và có hiệu lực thi hành kể từ thời điểm ban hành.
    Trường hợp khẩn cấp không thể ra quyết định bằng văn bản thì người có thẩm quyền được quyết định trưng dụng đất bằng lời nói và có hiệu lực thi hành ngay; người có thẩm quyền quyết định trưng dụng phải viết giấy xác nhận việc quyết định trưng dụng đất tại thời điểm trưng dụng và trao cho người có đất trưng dụng. Chậm nhất là 48 giờ kể từ thời điểm quyết định trưng dụng đất bằng lời nói, cơ quan của người đã quyết định trưng dụng đất bằng lời nói có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản việc trưng dụng đất và gửi cho người có đất trưng dụng.
    ...

    Theo đó, Nhà nước được trưng dụng đất trong các trường hợp cần thiết thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh,tình trạng chiến tranh,khẩn cấp và phòng chống thiên tai. Trừ các trường hợp được quy định nêu trên thì nhà nước không được trưng dụng đất trong bất kì trường hợp nào khác.

    Trong thời gian trưng dụng đất thì người sử dụng đất có được bồi thường hay không?

    Căn cứ theo khoản 7 Điều 90 Luật Đất đai 2024 bồi thường thiệt hại về trưng dụng đất quy định như sau:

    Trưng dụng đất:
    ...
    7. Việc bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra thực hiện theo quy định sau đây:
    a) Trường hợp đất trưng dụng bị hủy hoại thì việc bồi thường được thực hiện bằng tiền theo giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường tại thời điểm thanh toán;
    b) Trường hợp thu nhập bị thiệt hại do việc trưng dụng đất trực tiếp gây ra thì mức bồi thường được xác định căn cứ vào mức thiệt hại thu nhập thực tế tính từ ngày giao đất trưng dụng đến ngày hoàn trả đất trưng dụng được ghi trong quyết định hoàn trả đất trưng dụng. Mức thiệt hại thu nhập thực tế phải phù hợp với thu nhập do đất trưng dụng mang lại trong điều kiện bình thường trước thời điểm trưng dụng đất;
    c) Trường hợp tài sản bị thiệt hại do việc trưng dụng đất trực tiếp gây ra thì mức bồi thường thiệt hại được xác định theo giá chuyển nhượng tài sản trên thị trường tại thời điểm thanh toán;
    d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất trưng dụng thành lập Hội đồng để xác định mức bồi thường thiệt hại do thực hiện trưng dụng đất gây ra trên cơ sở văn bản kê khai của người sử dụng đất và hồ sơ địa chính. Căn cứ vào mức bồi thường thiệt hại do Hội đồng xác định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định mức bồi thường;
    đ) Tiền bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra được ngân sách nhà nước chi trả một lần, trực tiếp cho người có đất trưng dụng, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trưng dụng trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày hoàn trả đất.
    ...

    Theo đó, bhà nước sẽ bồi thường việc trưng dụng đất cho người sử dụng đất ở các trường hợp đất trưng dụng bị hủy hoại, thu nhập bị thiệt hại, tài sản bị hư hỏng. Ngoài các trường hợp được nêu trên thì Nhà nước sẽ không có trách nhiệm bồi thường trong việc trưng dụng đất đối với người sử dụng đất.

    Trường hợp người sử dụng đất không đồng ý trưng dụng đất thì xử lý như thế nào?

    Căn cứ theo quy định khoản 5 Điều 90 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Trưng dụng đất
    5. Người có đất trưng dụng, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trưng dụng phải chấp hành quyết định trưng dụng đất. Trường hợp quyết định trưng dụng đất đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật mà người có đất trưng dụng không chấp hành thì người quyết định trưng dụng đất ra quyết định cưỡng chế thi hành và tổ chức cưỡng chế thi hành hoặc giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất trưng dụng tổ chức cưỡng chế thi hành.

    Như vậy, nếu người sử dụng đất không đồng ý các quyết định về việc trưng dụng đất có thể bị xử lý theo quyết định cưỡng chế thi hành. Vì vậy người sử dụng đất nên tìm hiểu kỹ về các quy định để đảm bảo các quyền lợi của mình.

    saved-content
    unsaved-content
    79