Loading


Từ ngày thụ lý hồ sơ yêu cầu công chứng đến ngày trả kết quả công chứng tối đa bao nhiêu ngày?

Từ ngày thụ lý hồ sơ yêu cầu công chứng đến ngày trả kết quả công chứng tối đa bao nhiêu ngày? Bản chính văn bản công chứng phải được lưu trữ tối thiểu bao nhiêu năm?

Nội dung chính

    Từ ngày thụ lý hồ sơ yêu cầu công chứng đến ngày trả kết quả công chứng tối đa bao nhiêu ngày?

    Tại Điều 43 Luật Công chứng 2014 quy định về ngày thụ lý hồ sơ yêu cầu công chứng đến ngày trả kết quả công chứng như sau:

    Thời hạn công chứng

    1. Thời hạn công chứng được xác định kể từ ngày thụ lý hồ sơ yêu cầu công chứng đến ngày trả kết quả công chứng. Thời gian xác minh, giám định nội dung liên quan đến hợp đồng, giao dịch, niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, dịch giấy tờ, văn bản không tính vào thời hạn công chứng.

    2. Thời hạn công chứng không quá 02 ngày làm việc; đối với hợp đồng, giao dịch có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.

    Như vậy, từ ngày thụ lý hồ sơ yêu cầu công chứng đến ngày trả kết quả công chứng tối đa không quá 02 ngày làm việc. Tuy nhiên nếu có vụ việc phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng tối đa không quá 10 ngày làm việc.

    Lưu ý: Thời gian xác minh, giám định nội dung liên quan đến hợp đồng, giao dịch, niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, dịch giấy tờ, văn bản không tính vào thời hạn công chứng trên.

    Từ ngày thụ lý hồ sơ yêu cầu công chứng đến ngày trả kết quả công chứng tối đa bao nhiêu ngày? (Hình từ Internet)

    Bản chính văn bản công chứng phải được lưu trữ tối thiểu bao nhiêu năm?

    Tại Điều 64 Luật Công chứng 2014 quy định chế độ lưu trữ hồ sơ công chứng như sau:

     Chế độ lưu trữ hồ sơ công chứng

    1. Tổ chức hành nghề công chứng phải bảo quản chặt chẽ, thực hiện biện pháp an toàn đối với hồ sơ công chứng.

    2. Bản chính văn bản công chứng và các giấy tờ khác trong hồ sơ công chứng phải được lưu trữ ít nhất là 20 năm tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng; trường hợp lưu trữ ngoài trụ sở thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của Sở Tư pháp.

    3. Trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền có yêu cầu bằng văn bản về việc cung cấp hồ sơ công chứng phục vụ cho việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan đến việc đã công chứng thì tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm cung cấp bản sao văn bản công chứng và các giấy tờ khác có liên quan. Việc đối chiếu bản sao văn bản công chứng với bản chính chỉ được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng nơi đang lưu trữ hồ sơ công chứng.

    4. Việc kê biên, khám xét trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng phải thực hiện theo quy định của pháp luật và có sự chứng kiến của đại diện Sở Tư pháp hoặc đại diện tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên tại địa phương.

    5. Trường hợp Phòng công chứng được chuyển đổi thành Văn phòng công chứng thì hồ sơ công chứng do Văn phòng công chứng được chuyển đổi quản lý.

    Trường hợp Phòng công chứng bị giải thể thì hồ sơ công chứng phải được chuyển cho một Phòng công chứng khác hoặc một Văn phòng công chứng do Sở Tư pháp chỉ định.

    Trường hợp Văn phòng công chứng chấm dứt hoạt động thì Văn phòng công chứng đó phải thỏa thuận với một Văn phòng công chứng khác về việc tiếp nhận hồ sơ công chứng; nếu không thỏa thuận được hoặc Văn phòng công chứng chấm dứt hoạt động do toàn bộ công chứng viên hợp danh chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì Sở Tư pháp chỉ định một Phòng công chứng hoặc một Văn phòng công chứng khác tiếp nhận hồ sơ công chứng.

    Như vậy, bản chính văn bản công chứng và các giấy tờ khác trong hồ sơ công chứng phải được lưu trữ ít nhất là 20 năm tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng;

    Lưu ý: Nếu bản chính văn bản công chứng lưu trữ ngoài trụ sở thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của Sở Tư pháp.

    Phí công chứng bao gồm những loại chi phí nào?

    Tại Điều 66 Luật Công chứng 2014 có quy định về phí công chứng như sau:

    Phí công chứng

    1. Phí công chứng bao gồm phí công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch, phí lưu giữ di chúc, phí cấp bản sao văn bản công chứng.

    Người yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch, lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng phải nộp phí công chứng.

    2. Mức thu, chế độ thu, nộp, sử dụng và quản lý phí công chứng được thực hiện theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, phí công chứng bao gồm những loại chi phí như sau: 

    Phí công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch;

     Phí lưu giữ di chúc;

     Phí cấp bản sao văn bản công chứng.

    Trân trọng!

    saved-content
    unsaved-content
    786