Loading


Luật Địa chất và Khoáng sản 2024

Số hiệu 54/2024/QH15
Ngày ban hành 29/11/2024
Ngày có hiệu lực 01/07/2025
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Trần Thanh Mẫn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 54/2024/QH15

Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2024

 

LUẬT

ĐỊA CHẤT VÀ KHOÁNG SẢN

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Địa chất và khoáng sản.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Luật này quy định việc điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; hoạt động khoáng sản; thu hồi khoáng sản; chế biến khoáng sản; tài chính về địa chất, khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản; quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Các trường hợp sau đây không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này:

a) Dầu khí; các loại nước thiên nhiên không phải là nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên;

b) Hoạt động chế biến khoáng sản không gắn với dự án đầu tư khai thác khoáng sản để được cấp giấy phép khai thác khoáng sản hoặc giấy phép khai thác tận thu khoáng sản.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Địa chất là các dạng vật chất cấu tạo nên trái đất, các quá trình diễn ra trong tự nhiên phát sinh từ sự tiến hóa của trái đất cũng như địa hình, cảnh quan, hiện tượng địa chất và môi trường được tạo ra do các quá trình tự nhiên đó.

2. Tài nguyên địa chất là các dạng vật chất hình thành từ các quá trình địa chất, tồn tại trong hoặc trên bề mặt trái đất mà con người có thể khai thác, sử dụng, bao gồm: khoáng sản, di chỉ địa chất, di sản địa chất, tài nguyên địa nhiệt, tài nguyên vị thế, cấu trúc địa chất tàng trữ, không gian lòng đất.

3. Tài nguyên địa nhiệt là nhiệt năng được sinh ra và tồn tại trong các thể địa chất, cấu trúc địa chất có thể khai thác, sử dụng.

4. Tài nguyên vị thế là tài nguyên địa chất mà có vị trí địa lý đem lại lợi thế chiến lược về kinh tế, quốc phòng, an ninh hoặc môi trường.

5. Cấu trúc địa chất tàng trữ là thể địa chất được hình thành trong lòng đất, có khả năng lưu giữ và thu hồi các loại vật chất.

6. Di chỉ địa chất là tập hợp các dấu hiệu, đặc điểm của hoạt động địa chất có giá trị nổi bật về khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và kinh tế ở một khu vực xác định trên mặt đất hoặc trong lòng đất được phát hiện và ghi nhận trong quá trình điều tra địa chất.

7. Di sản địa chất là tập hợp một hoặc nhiều di chỉ địa chất được công nhận, xếp hạng.

8. Công viên địa chất là một khu vực có giới hạn xác định, có các di sản địa chất, độc đáo về văn hóa, sinh thái và khảo cổ học; có diện tích phù hợp để thực hiện các chức năng quản lý, bảo tồn, giáo dục, nghiên cứu và phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

9. Tai biến địa chất là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về môi trường, con người, tài sản, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm: động đất, hoạt động núi lửa, đứt gãy hoạt động, trượt lở đất đá, sụt lún bề mặt; nứt đất; xói lở bờ sông, bờ biển; ô nhiễm từ khoáng vật, nguyên tố độc hại có nguồn gốc tự nhiên.

10. Không gian lòng đất là phần phạm vi phân bố của các thực thể địa chất trong lòng đất, được xác định bằng hệ toạ độ quốc gia, diện tích và mức sâu trên cơ sở kết quả điều tra cơ bản địa chất.

11. Điều tra cơ bản địa chất là hoạt động nghiên cứu, điều tra cơ bản về cấu trúc, thành phần vật chất, lịch sử phát sinh, phát triển vỏ trái đất, các điều kiện địa chất, quá trình địa chất và quy luật sinh khoáng nhằm đánh giá tiềm năng tài nguyên địa chất, các tác động của quá trình địa chất đến kinh tế - xã hội và con người làm căn cứ khoa học cho việc định hướng hoạt động bảo vệ, quản lý tài nguyên địa chất.

12. Điều tra địa chất về khoáng sản là việc xác định quy mô, số lượng, chất lượng từng loại khoáng sản, nhóm khoáng sản theo cấu trúc địa chất có triển vọng trên cơ sở điều tra cơ bản địa chất làm căn cứ khoa học cho việc định hướng hoạt động thăm dò khoáng sản.

13. Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ.

14. Khoáng sản nguyên khai là khoáng sản được khai thác, thu hồi chưa qua chế biến.

15. Khoáng sản đi kèm là khoáng sản có thể khai thác cùng với khoáng sản chính và có hiệu quả kinh tế.

[...]
60