Loading


Nghị quyết số 12/2003/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2003 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 12/2003/NQ-CP
Ngày ban hành 06/10/2003
Ngày có hiệu lực 23/10/2003
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12/2003/NQ-CP

Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2003

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 12/2003/NQ-CP NGÀY 06 THÁNG 10 NĂM 2003 VỀ PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 9 NĂM 2003

Trong 2 ngày 29 và 30 tháng 9 năm 2003, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau:

1. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách năm 2003 và phân bổ dự toán ngân sách năm 2004; nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo về đánh giá tình hình thực hiện đầu tư phát triển năm 2003 và dự kiến kế hoạch năm 2004.

Chính phủ nhận định, trong 9 tháng đầu năm 2003, mặc dù kinh tế thế giới phục hồi chậm và có nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế nước ta vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá, có khả năng đạt và vượt phần lớn các mục tiêu kế hoạch và dự toán ngân sách đề ra cho năm 2003. Tuy nhiên, quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé, chất lượng tăng trưởng và mức tích luỹ thấp, chi phí sản xuất cao, nguồn thu tăng khá song tính bền vững chưa cao. Tình trạng buôn lậu, trốn thuế ở một số địa bàn còn nghiêm trọng đang làm hạn chế đáng kể nguồn thu ngân sách nhà nước. Tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước còn yếu kém: Điển hình là tình trạng bố trí ngân sách đầu tư dàn trải; nợ xây dựng cơ bản lớn; việc sử dụng ngân sách lãng phí gây thất thoát, hiệu quả thấp...

Các báo cáo về phân bổ dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư phát triển năm 2004 đã bám sát các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, thể hiện tinh thần phấn đấu tích cực, tập trung cho đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; phân bổ chi cho các lĩnh vực và các địa phương tương đối hợp lý; tập trung ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư thoả đáng cho các lĩnh vực xã hội và cải cách tiền lương; coi trọng đầu tư các công trình giao thông, thuỷ lợi quan trọng, cơ sở hạ tầng nông thôn và những địa bàn miền núi, vùng cao, bãi ngang ven biển và hải đảo. Để triển khai thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư phát triển năm 2004, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương phải tìm mọi giải pháp đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng nguồn thu, thực hiện chi tiêu ngân sách đúng chính sách, chế độ, chống tham ô, lãng phí .

Giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ và các đại biểu dự họp, hoàn chỉnh các báo cáo trên, trình Bộ Chính trị xem xét trước khi trình Quốc hội khoá XI tại kỳ họp thứ 4.

2. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình dự thảo Nghị định về công tác quy hoạch; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo về những vấn đề còn ý kiến khác nhau về nội dung dự thảo Nghị định này.

Xây dựng và quản lý quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành và vùng lãnh thổ là chức năng quản lý nhà nước hàng đầu của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước. Đây cũng là lĩnh vực đang có nhiều vấn đề bức xúc cần được quan tâm xử lý kịp thời. Những thành công và yếu kém của công tác quy hoạch dẫn đến hiệu quả hoặc tổn thất lớn cho nền kinh tế, vì vậy, quy hoạch và kế hoạch phải có định hướng rõ ràng, có dự báo dài hạn, đồng bộ; nhất thiết không để xảy ra tình trạng quy hoạch tự phát hoặc đầu tư tràn lan, kém hiệu quả, không tuân thủ quy hoạch. Bên cạnh việc xác định phạm vi chủ yếu của Nghị định này là công tác quy hoạch chung về phát triển kinh tế - xã hội, chưa đề cập cụ thể đến từng ngành, lĩnh vực riêng, dự thảo Nghị định cần hết sức chú ý đến thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, làm rõ trách nhiệm trong quản lý quy hoạch và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quy hoạch.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ và các đại biểu dự họp, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục xin ý kiến các thành viên Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

3. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình bày báo cáo về kết quả bước đầu rà soát, đối chiếu các Hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

Yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi hệ thống pháp luật và chính sách của nhà nước ta phải phù hợp với các nghĩa vụ được quy định trong các Hiệp định của WTO và các cam kết quốc tế khác. Vì vậy, việc rà soát, đối chiếu các Hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế giới với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam phải bảo đảm tính toàn diện, đồng bộ, thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện lập pháp, lập quy của nước ta, bám sát Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội khoá XI gắn với quá trình cải cách tư pháp, cải cách thể chế của đất nước.

Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, tiếp tục rà soát sâu hơn các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là phần liên quan đến các thủ tục hành chính; khẩn trương xây dựng lộ trình sửa đổi, bổ sung, ban hành mới những văn bản quy phạm pháp luật để thống nhất với các quy định của WTO về nghĩa vụ của thành viên, ưu tiên những vấn đề có tính bắt buộc đối với thủ tục gia nhập WTO và những vấn đề đã rõ nét và phù hợp với lợi ích đất nước. Các Bộ, ngành phải quan tâm kiện toàn tổ chức pháp chế của mình, tăng cường chức năng thẩm định văn bản pháp luật, bảo đảm nguyên tắc những văn bản ban hành mới phải phù hợp với các quy định của WTO và các cam kết quốc tế khác mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập nhưng không trái với các quyền lợi chính đáng của Việt Nam; đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có kiến thức sâu về pháp luật kinh tế, thương mại quốc tế để trực tiếp làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế.

4. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình dự thảo Nghị định về tổ chức, hoạt động và chính sách đối với thanh niên xung phong; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định.

Thanh niên xung phong là lực lượng quan trọng đã cùng với bộ đội, dân công hoả tuyến lập nên nhiều chiến công trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Ngày nay, trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thanh niên xung phong đang phát huy vai trò tiên phong gương mẫu trong lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, luôn có mặt ở những nơi khó khăn gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó.

Chính phủ và các Bộ, ngành luôn quan tâm và ban hành nhiều văn bản về chính sách đối với thanh niên xung phong. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các văn bản ấy còn bộc lộ một số khó khăn vướng mắc, nhất là cơ chế tổ chức, quản lý và áp dụng các chính sách cụ thể. Vì vậy, cần nghiên cứu, tổng kết về tổ chức, hoạt động và chính sách đối với thanh niên xung phong, nhằm tiếp tục phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của lực lượng này trong thời kỳ đổi mới của đất nước.

Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam và các Bộ, ngành, đoàn thể có liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, tiếp tục nghiên cứu về mô hình tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động của Thanh niên xung phong phù hợp với điều kiện đất nước hoà bình và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

5. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình dự án Pháp lệnh Dự trữ quốc gia; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự án Pháp lệnh.

Quỹ dự trữ quốc gia là lực lượng dự trữ chiến lược của Nhà nước, đáp ứng những yêu cầu phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, địch hoạ, bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống nhân dân. Trong những năm qua, Nhà nước ta rất coi trọng quản lý dự trữ quốc gia, đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động dự trữ quốc gia, tạo ra cơ chế quản lý mới cho hoạt động này phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiết kiệm ngân sách nhà nước, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, bảo vệ tài sản dự trữ quốc gia, đưa hoạt động dự trữ quốc gia đi dần vào kỷ cương, nề nếp.

Tuy vậy, công tác quản lý, điều hành hoạt động dự trữ quốc gia thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới, nhất là về cơ chế chính sách. Các quy định về quản lý giá cả, mua, bán, xuất, nhập hàng dự trữ quốc gia chưa đầy đủ; tổng mức dự trữ còn thấp. Bộ máy quản lý dự trữ quốc gia còn cồng kềnh, hoạt động còn kém hiệu quả...

Tình hình trên đòi hỏi phải xây dựng và ban hành Pháp lệnh Dự trữ quốc gia để bảo đảm cho việc điều hành hoạt động quỹ dự trữ quốc gia được tập trung, thống nhất, kịp thời trong mọi tình huống; coi dự trữ quốc gia là một công cụ điều hành ở tầm vĩ mô của nhà nước, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Pháp lệnh Dự trữ quốc gia; giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án Pháp lệnh này.

6. Chính phủ đã xem xét Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2003 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình.

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm tiếp tục phát triển tích cực. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao, khu vực dịch vụ duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; nông nghiệp tiếp tục phát triển, mặc dù một số địa phương bị thiên tai cục bộ; xuất khẩu đang duy trì tốc độ cao, nhập siêu có xu hướng giảm; huy động và thực hiện vốn đầu tư phát triển tăng khá; thu ngân sách nhà nước tăng, giá cả thị trường cơ bản ổn định. Các lĩnh vực xã hội đều có những chuyển biến tích cực.

Những khó khăn nổi cộm hiện nay là: Thiệt hại lớn trong sản xuất nông nghiệp do mưa lũ, hạn hán gây ra ở một số địa phương; giải ngân vốn ODA đạt thấp; đầu tư từ nguồn vốn tín dụng nhà nước giảm so với cùng kỳ; nợ xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách còn rất lớn; việc mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn nhiều khó khăn...

Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương, doanh nghiệp thực hiện tốt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã ban hành từ đầu năm, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch năm 2003; tập trung tổ chức tốt việc phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư cho một số công trình giao thông, thuỷ lợi quan trọng của đất nước; tìm mọi biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu; rà soát lại khả năng thu ngân sách, xác định nguồn vượt thu để xử lý những nhu cầu cấp bách hiện nay; khẩn trương rà soát lại các khoản nợ xây dựng cơ bản để có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ