Loading


Nghị quyết 20-NQ/TW năm 2002 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010 do Bộ Chính trị ban hành

Số hiệu 20-NQ/TW
Ngày ban hành 18/11/2002
Ngày có hiệu lực 18/11/2002
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Bộ Chính trị
Người ký Nông Đức Mạnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ CHÍNH TRỊ
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
----------------

Nghị quyết số: 20-NQ/TW

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2002

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2010

I- Tình hình và kết quả xây dựng, phát triển Thành phố Hồ Chí Minh

1- Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất nước ta, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Trong 20 năm qua, thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TW và sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng. Thành phố đã phát huy vai trò trung tâm của mình trên nhiều mặt với khu vực và cả nước, có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thành phố luôn giữ vững ổn định chính trị, xã hội, kể cả trong những thời điểm tình hình trong nước có nhiều khó khăn và thế giới có những diễn biến phức tạp, đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chung của đất nước, vào việc bảo vệ và khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Thành phố duy trì được nhịp độ tăng trưởng kinh tế khá cao; cơ cấu kinh tế bước đầu có sự chuyển dịch đúng hướng; có những ảnh hưởng và tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế của các tỉnh trong khu vực và của cả nước; năng động, sáng tạo và có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành, phát triển đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước như phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa, hội nhập kinh tế nước ta vào kinh tế khu vực và thế giới.

Thành phố đã có nhiều cố gắng trong xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấp và chỉnh trang đô thị; gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, trong đó có những vấn đề phức tạp của một thành phố lớn, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Nhiều phong trào của Thành phố như : xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, phong trào "3 giảm"... đem lại những kết quả tích cực về chính trị, kinh tế, xã hội trên địa bàn Thành phố và có sức lan toả, trở thành các phong trào rộng khắp cả nước.

Hệ thống chính trị ở Thành phố được quan tâm củng cố; tổ chức bộ máy chính quyền các cấp có bước đổi mới theo hướng ngày càng tinh gọn, hiệu quả; phương pháp, lề lối làm việc được cải tiến theo hướng sát thực tế, sát cơ sở, giảm bớt các thủ tục hành chính phiền hà. Vai trò của Mặt trận và các đoàn thể được tăng cường để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Có được những thành tựu đó là do Đảng bộ và Chính quyền Thành phố đã nỗ lực phấn đấu, vận dụng sáng tạo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vào điều kiện cụ thể của Thành phố; giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân Thành phố đã phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, lao động cần cù, năng động, sáng tạo, nêu cao phẩm chất, ý chí của người Việt Nam trong giai đoạn mới; có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng (Bộ Chính trị, Ban Bí thư), của Chính phủ, sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan Trung ương (các bộ, các ban, ngành, Mặt trận, các đoàn thể), của các địa phương và nhân dân cả nước.

2- Bên cạnh những thành tựu trên, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại và yếu kém :

Tuy kinh tế tăng trưởng khá cao so với mức bình quân của cả nước, nhưng chưa tương xứng với vị trí, vai trò, tiềm năng và lợi thế của Thành phố. Kinh tế phát triển chưa vững chắc; chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao; nhiều nguồn lực quan trọng và những yếu tố thuận lợi, thế mạnh của Thành phố chưa được khai thác, sử dụng có hiệu quả; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là trong công nghiệp và dịch vụ còn chậm. Các ngành công nghiệp mũi nhọn, có hàm lượng khoa học công nghệ cao và các dịch vụ tài chính, ngân hàng, tư vấn, chuyển giao công nghệ..., chưa phát triển. Cơ cấu kinh tế ngày càng bộc lộ sự bất hợp lý, lợi thế cạnh tranh của nhiều sản phẩm của Thành phố đang bị giảm dần. Thành phố chưa gắn kết chặt chẽ với các tỉnh chung quanh trong phát triển kinh tế, chưa thể hiện rõ vai trò trung tâm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho cả khu vực phía Nam. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng xấu tới hiệu quả và sức cạnh tranh kinh tế của Thành phố...

Số doanh nghiệp nhà nước thua lỗ còn nhiều, tổ chức kinh tế tập thể còn non yếu, chưa đủ sức đóng vai trò chủ đạo, nền tảng của kinh tế Thành phố. Kinh tế tư nhân phát triển nhanh, nhưng quản lý chưa chặt chẽ. Công tác xây dựng quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch phát triển đô thị, phát triển các ngành, các sản phẩm và các vùng kinh tế còn yếu. Quản lý nhà nước về kinh tế của Thành phố còn nhiều sơ hở, thất thu thuế còn lớn, để xảy ra trên địa bàn nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng, buôn lậu lớn, gian lận thương mại, mua bán đất, lấn chiếm đất công và xây dựng nhà trái phép... gây hậu quả xấu về kinh tế và xã hội. Quy hoạch phát triển các khu đô thị mới, phát triển các cảng trên sông Sài Gòn còn nhiều bất hợp lý.

Kết cấu hạ tầng (giao thông vận tải, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường...) tuy được chú trọng, cải tạo và xây dựng mới nhưng vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Tình trạng ách tắc giao thông, ngập nước trong mùa mưa, ô nhiễm môi trường vẫn nghiêm trọng, có mặt ngày càng gay gắt hơn.

Sự phát triển về văn hoá, nhất là các lĩnh vực văn hoá đỉnh cao chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế, với vai trò, vị trí là trung tâm văn hoá lớn của cả nước. Quản lý các hoạt động văn hoá, báo chí, xuất bản trên địa bàn chưa chặt chẽ, còn những hoạt động không lành mạnh (vũ trường, karaôke hoạt động biến tướng, băng, đĩa lậu...). Tuy Thành phố đã tiến hành nhiều biện pháp đấu tranh quyết liệt, tệ nạn ma tuý, mại dâm, tội phạm vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp. Tội phạm có tổ chức theo kiểu "xã hội đen" chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Nhiều vụ khiếu kiện của nhân dân kéo dài. an ninh chính trị tuy được giữ vững, nhưng còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định không thể chủ quan, xem thường.

Công tác xây dựng Đảng, nhất là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, của đội ngũ cán bộ Thành phố chưa theo kịp với yêu cầu của thời kỳ phát triển mới. Công tác tổ chức cán bộ, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, đánh giá, bố trí, luân chuyển cán bộ chưa có nền nếp, kết quả chưa tốt; công tác quản lý, kiểm tra chưa phát hiện, ngăn ngừa, hạn chế kịp thời được sự thoái hoá, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Tình trạng mơ hồ, mất cảnh giác, phai nhạt lý tưởng, đặc biệt là suy thoái đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng của một bộ phận đảng viên đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và gây bất bình trong nhân dân. Nhìn chung, trên địa bàn Thành phố vẫn còn tích tụ nhiều vấn đề phức tạp cản trở sự ổn định và phát triển mạnh mẽ, vững chắc của Thành phố.

Những tồn tại, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân (cả chủ quan và khách quan) nhưng chủ yếu là do :

- Năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, sự quản lý điều hành của Chính quyền Thành phố còn chưa tương xứng với yêu cầu, đòi hỏi của tình hình. Hiệu lực và hiệu quả quản lý của Thành phố trên nhiều lĩnh vực (kinh tế, văn hoá, xã hội, quản lý đô thị...) còn thấp, thiếu những biện pháp cụ thể, kiên quyết để thực hiện các nhiệm vụ đề ra; sự phối hợp của Thành phố với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, nhất là các tỉnh trong vùng còn hạn chế.

- Một số cơ chế, chính sách vĩ mô của Nhà nước chưa đồng bộ, chưa phù hợp với điều kiện đặc thù của thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh. Các bộ, ngành Trung ương chưa phối hợp tích cực, chặt chẽ với Thành phố trong việc xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển các ngành trên địa bàn. Nhiều quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho Thành phố phát triển chưa được Thành phố và các bộ, ngành triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc.

II- Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010

1- Thành phố Hồ Chí Minh bước vào thế kỷ mới trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế và cách mạng khoa học công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ; tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch tiếp tục chống phá ta quyết liệt; đất nước ta tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo Nghị quyết Đại hội IX của Đảng; tiềm lực kinh tế của đất nước, cũng như của Thành phố đã tăng lên nhiều; Thành phố có thêm nhiều kinh nghiệm trong xây dựng phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh, trật tự. Thành phố đứng trước những thuận lợi, cơ hội lớn hơn, và cả những khó khăn, thách thức gay gắt hơn, có mặt chưa lường hết được.

Đảng bộ và nhân dân Thành phố cần quán triệt Nghị quyết Đại hội IX của Đảng về phương hướng phát triển chung của đất nước, của các ngành, các vùng, để vận dụng vào điều kiện cụ thể của Thành phố; tiếp tục nỗ lực phấn đấu, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, phát huy tính năng động, sáng tạo để đi đầu cả nước về phát triển kinh tế, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhất là phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học công nghệ cao, hiện đại, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, bảo vệ tốt môi trường; hình thành đồng bộ cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đi đầu trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển kinh tế, trong cạnh tranh và hội nhập kinh tế với thế giới; xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành một thành phố xã hội chủ nghĩa văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn với khu vực phía Nam và cả nước, từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam á, xứng đáng với Thành phố mang tên Bác Hồ.

2- Để thực hiện phương hướng và mục tiêu trên, Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ sau :

a) Bảo đảm sự vững vàng về chính trị, củng cố an ninh, quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị - xã hội Thành phố trong mọi tình huống, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định khu vực và cả nước.

b) Khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế với tốc độ nhanh, bền vững, có hiệu quả và sức cạnh tranh cao; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá phù hợp với đặc điểm và vị trí của Thành phố.

- Quy hoạch, sắp xếp lại công nghiệp Thành phố theo hướng ưu tiên phát triển các ngành hàng, các sản phẩm có hàm lượng khoa học cao, sử dụng công nghệ hiện đại trở thành mũi nhọn của kinh tế Thành phố, như : cơ khí chế tạo, điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, sản xuất vật liệu mới, sản xuất nguyên liệu cho công nghiệp và chế biến các sản phẩm nông nghiệp, những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu... Xây dựng và phát triển khu công nghệ cao thành một mũi đột phá, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong giai đoạn mới.

- Phát triển mạnh các dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông, du lịch, vận tải; phát triển và quản lý tốt thị trường hàng hoá, thị trường tài chính, thị trường bất động sản, thị trường khoa học, công nghệ... để từng bước xây dựng Thành phố trở thành trung tâm thương mại, tài chính, khoa học công nghệ lớn của cả nước và khu vực Đông Nam á.

- Phát triển và nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế đối ngoại, đẩy mạnh xuất khẩu, tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư để có sức thu hút mạnh mẽ hơn nữa đầu tư của nước ngoài; đồng thời mở rộng đầu tư của Thành phố đến các tỉnh và ra nước ngoài.

- Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, cạnh tranh bình đẳng trước pháp luật. Đẩy mạnh sắp xếp, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tập thể, để kinh tế nhà nước thực sự đóng vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng của kinh tế Thành phố.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ