Loading

17:24 - 06/12/2024

Chính thức có Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2024

Ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế tại kỳ hợp thứ 8 của Quốc hội bao gồm những nội dung gì?

Nội dung chính

    Nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo Luật Bảo hiểm y tế năm 2024?

    Ngày 27/11/2024, Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế tại Kỳ họp thứ 8. Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực từ ngày 01/07/2025.

    Theo đó, khoản 10 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2024 sửa đổi, bổ sung Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008, sửa đổi năm 2014 về các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bao gồm:

    - Nhóm do người sử dụng lao động đóng hoặc người lao động đóng hoặc cùng đóng

    - Nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng

    - Nhóm do ngân sách nhà nước đóng

    - Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng

    - Nhóm tự đóng bảo hiểm y tế

    - Đối tượng khác theo quy định của luật, pháp lệnh

    Ngoài ra, Mức đóng bảo hiểm y tế được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức tham chiếu.

    Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2024 (Hình từ internet)

    Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2024 (Hình từ internet)

    Thay đổi mức hưởng bảo hiểm y tế được quy định như thế nào?

    Căn cứ khoản 17 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2024 sửa đổi, bổ sung Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008 về mức hưởng bảo hiểm y tế của người tham gia bảo hiểm y tế như sau:

    Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
    ...
    17. Sửa đổi, bổ sung Điều 22 như sau:
    “Điều 22. Mức hưởng bảo hiểm y tế của người tham gia bảo hiểm y tế
    1. Người tham gia bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Điều 26 và Điều 27 của Luật này được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau:
    a) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, h, i, o, r và s khoản 3 Điều 12 của Luật này. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoài phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế của đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 3 Điều 12 của Luật này được chi trả từ nguồn kinh phí bảo hiểm y tế dành cho khám bệnh, chữa bệnh của nhóm đối tượng này; trường hợp nguồn kinh phí này không đủ thì do ngân sách nhà nước bảo đảm;
    b) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn mức do Chính phủ quy định;
    c) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, bao gồm: trạm y tế; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình; trạm y tế quân - dân y, phòng khám quân - dân y; trung tâm y tế cấp huyện có hoạt động khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động theo hình thức tổ chức là phòng khám; y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu trong quân đội, công an do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định. 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú tại phòng khám đa khoa khu vực;
    d) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm của những lần đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại khoản 3, các điểm a, b, c, đ và e khoản 4, khoản 5 Điều này, Điều 26 và Điều 27 của Luật này lớn hơn 6 lần mức tham chiếu;
    đ) 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng quy định tại điểm a khoản 2, điểm k khoản 3, điểm a và điểm g khoản 4 Điều 12 của Luật này;
    e) 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng khác.
    2. Người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.
    ...

    Như vậy, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2024 đã quy định rõ ràng về mức hưởng bảo hiểm y tế cho từng nhóm đối tượng, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế trong việc khám bệnh, chữa bệnh.

    Sửa đổi, bổ sung phương thức đóng bảo hiểm y tế?

    Khoản 13 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2024 đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 15 Luật Bảo hiểm y tế 2008 như sau:

    (1) Sửa đổi, bổ sung các khoản 2, 3, 4 và 5 Luật Bảo hiểm y tế 2008 như sau:

    - Đối với các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả tiền lương theo sản phẩm, theo khoán thì đóng theo phương thức đóng hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.

    - Hằng tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này vào quỹ bảo hiểm y tế.

    - Hằng quý, cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp học bổng đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 13 của Luật này vào quỹ bảo hiểm y tế.

    - Hằng quý, ngân sách nhà nước chuyển số tiền đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 13 của Luật này vào quỹ bảo hiểm y tế.

    (2) Bổ sung khoản 7 và khoản 8 vào sau khoản 6 Luật Bảo hiểm y tế 2008 như sau:

    - Đối tượng quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều 12 của Luật này đóng đủ số tiền thuộc trách nhiệm phải đóng trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc đóng qua hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia quản lý theo phương thức đóng hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.

    - Thời hạn đóng bảo hiểm y tế chậm nhất đối với người sử dụng lao động được quy định như sau:

    + Ngày cuối cùng của tháng tiếp theo đối với phương thức đóng hằng tháng;

    + Ngày cuối cùng của tháng tiếp theo ngay sau chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.

    Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025.  

    saved-content
    unsaved-content
    157