Loading


Đất đứng tên bố, nhưng bố mất lâu rồi, muốn thế chấp đất cho ngân hàng thì cần có sự đồng ý của mẹ không?

Đất đứng tên bố, nhưng bố mất lâu rồi, muốn thế chấp đất cho ngân hàng thì cần có sự đồng ý của mẹ không?

Nội dung chính

    Đất đứng tên bố, bố mất thì di sản thừa kế được chia thế nào?

    Trường hợp 1: Bố mất không để lại di chúc

    (1) Đất là tài sản riêng của bố 

    - Theo quy định tại Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, thừa kế theo pháp luật sẽ được áp dụng trong các trường hợp sau: khi không có di chúc; khi di chúc không hợp pháp; khi những người thừa kế theo di chúc qua đời trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc; khi cơ quan, tổ chức được chỉ định thừa kế theo di chúc không còn tồn tại tại thời điểm mở thừa kế; hoặc khi những người được chỉ định làm người thừa kế không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

    Ngoài ra, thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây: phần di sản không được định đoạt trong di chúc; phần di sản liên quan đến nội dung của di chúc không có hiệu lực pháp luật; phần di sản thuộc về người thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, qua đời trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc; hoặc thuộc về cơ quan, tổ chức được hưởng di sản nhưng đã không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

    Theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 những người thừa kế theo pháp luật sẽ được xếp theo thứ tự sau đây:

    - Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

    - Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

    - Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

    Lưu ý: Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Bên cạnh đó, những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

    Như vậy, trường hợp đất là tài sản riêng nhưng người bố mất mà không để lại di chúc, tài sản sẽ được chia theo hàng thừa kế thứ nhất. Theo đó, phần đất này sẽ được chia đều cho vợ, con đẻ, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi của người đã mất, nếu những người này còn sống tại thời điểm hoặc sau thời điểm mở thừa kế. (*)

    (2) Đất là tài sản chung của bố mẹ

    Nếu mảnh đất là tài sản chung, phần di sản của người bố sẽ được xác định là 1/2 giá trị mảnh đất, do phần còn lại thuộc quyền sở hữu của người mẹ.

    Theo đã phân tích ở trên, vì bố mất không để lại di chúc nên phần di sản là đất thuộc sở hữu của bố sẽ được chia theo pháp luật và chia theo hàng thừa kế tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015.

    Theo đó, phần di sản là ½ mảnh đất sẽ được chia ưu tiên đều cho hàng thừa kế thứ nhất bao gồm vợ, con đẻ, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi của người đã mất, nếu những người này còn sống tại thời điểm hoặc sau thời điểm mở thừa kế.(**)

    Trường hợp 2: Bố mất để lại di chúc

    (1) Đất là tài sản riêng

    Căn cứ theo quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

    Theo đó, nếu người bố trước khi mất có lập di chúc và di chúc hợp pháp theo quy định Điều 640 Bộ luật Dân sự 2015 thì việc chia di sản thừa kế sẽ tuân theo nội dung di chúc.

    (2) Đất là tài sản chung của bố mẹ

    Như đã phân tích ở trên, trong trường hợp mảnh đất là tài sản chung của bố mẹ, phần di sản của người bố được xác định là 1/2 giá trị mảnh đất, do phần còn lại thuộc quyền sở hữu của người mẹ. Do đó, người bố hoàn toàn có quyền lập di chúc để định đoạt phần tài sản thuộc sở hữu của mình trong mảnh đất này.

    Như vậy, việc chia di sản thừa kế là phần sở hữu của bố trong mảnh đất sẽ tuân thủ theo ý chí được thể hiện trong nội dung của di chúc.

    Lưu ý: 

    Ý chí của người lập di chúc có thể không được thực hiện đầy đủ nếu nội dung di chúc không đề cập đến việc chia thừa kế hoặc phân chia phần di sản ít hơn mức mà một số người được quyền hưởng theo quy định pháp luật. 

    Cụ thể, những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất thừa kế theo pháp luật, ngay cả khi không được nhắc đến trong di chúc hoặc được chia ít hơn mức này:

    - Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ hoặc chồng của người lập di chúc;  

    - Con đã thành niên nhưng mất khả năng lao động. (Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015).

    Đối chiếu với trường hợp trên, dù là tài sản chung hay tài sản riêng, dù người bố có di chúc để lại tài sản cho vợ, con hay không thì theo Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 người mẹ sẽ được nhận ít nhất ⅔ suất của người thừa kế theo pháp luật. Nếu người con thuộc các trường hợp nêu tại Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 thì sẽ được nhận được ít nhất ⅔ suất của người thừa kế theo pháp luật.

    Hợp đồng thuê nhà có chấm dứt khi người cho thuê nhà ở không thuộc tài sản công mất?

    Hợp đồng thuê nhà có chấm dứt khi người cho thuê nhà ở không thuộc tài sản công mất? (Hình từ Internet)

    Đất đứng tên bố, nhưng bố mất lâu rồi, muốn thế chấp đất cho ngân hàng thì có cần có sự đồng ý của mẹ không? 

    (1) Không có di chúc

    Trường hợp 1: Đất là tài sản riêng của bố

    Nếu mảnh đất là tài sản riêng của người bố, khi bố qua đời mà không để lại di chúc, di sản (toàn bộ mảnh đất) sẽ được chia theo hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015

    Như vậy, người mẹ cùng các đồng thừa kế khác trong hàng thừa kế thứ nhất (bao gồm con đẻ, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi của người bố) sẽ trở thành đồng sở hữu đối với mảnh đất này.  

    Căn cứ tại khoản 1, khoản 2 Điều 218 Bộ luật Dân sự 2015 quy định mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình. Ngoài ra, việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.

    Trong trường hợp này, để thế chấp đất cho ngân hàng, cần có sự đồng ý của tất cả đồng thừa kế, bao gồm mẹ và các đồng sở hữu khác (nếu có). 

    Trường hợp 2: Đất là tài sản chung của bố và mẹ  

    Nếu mảnh đất là tài sản chung của bố và mẹ, khi bố qua đời, 1/2 giá trị mảnh đất sẽ thuộc quyền sở hữu của mẹ và 1/2 còn lại là di sản của bố. Di sản này sẽ được chia cho các đồng thừa kế theo hàng thừa kế thứ nhất (bao gồm mẹ, con đẻ, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi của bố).  

    Tương tự, việc định đoạt đất là tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, nếu người con muốn thế chấp đất cho ngân hàng, cần có sự đồng ý của mẹ và các đồng thừa kế đối với phần di sản của bố. (nếu có)

    (2) Có di chúc

    Như đã phân tích ở nội dung trước đó, nếu người bố có di chúc thì dù là tài sản chung hay tài sản riêng thì người vợ và người con sẽ được hưởng ít nhất ⅔ suất người thừa kế theo pháp luật. Theo đó, việc định đoạt đất cụ thể là thế chấp đất cần có sự đồng ý của người mẹ (1 trong những người đồng sở hữu).

    Trong quá trình chia thừa kế xảy ra tranh chấp đối với di sản thừa kế là đất có bắt buộc hòa giải tại UBND?

    Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai 2024 quy định khi có tranh chấp đất đai, Nhà nước khuyến khích các bên tự hòa giải tại cơ sở hoặc hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã trước khi giải quyết tranh chấp.

    Tuy nhiên tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP đối với các tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như tranh chấp về giao dịch quyền sử dụng đất, tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng liên quan đến quyền sử dụng đất, thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là yêu cầu bắt buộc trước khi khởi kiện vụ án.

    Từ các quy định trên, có thể kết luận rằng trong quá trình chia thừa kế liên quan đến di sản thừa kế là đất, việc hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn không phải là yêu cầu bắt buộc trước khi khởi kiện vụ án. Nhà nước khuyến khích các bên tự hòa giải tại cơ sở, nhưng đối với các tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất, các bên có quyền khởi kiện trực tiếp mà không cần thực hiện thủ tục hòa giải trước.

    saved-content
    unsaved-content
    44