Đất là tài sản riêng của bố nhưng bố bỏ đi từ 2005, bây giờ mẹ muốn một mình đứng tên được không?
Nội dung chính
Bố bỏ đi từ năm 2005 thì có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố bố đã chết để chia thừa kế thửa đất là tài sản riêng của bố được không?
Căn cứ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp một người đã biệt tích liên tục từ 5 năm trở lên và không có bất kỳ thông tin xác thực nào về việc người đó còn sống hay đã qua đời, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể yêu cầu Tòa án xem xét và ra quyết định tuyên bố người đó đã chết.
Thời hạn 05 năm được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể thời hạn 05 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
Đối chiếu với trường hợp trên, người bố bỏ đi từ 2005 đến nay (24 năm) nếu gia đình không có bất kỳ thông tin xác thực nào về việc người bố còn sống hay đã qua đời thì có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố rằng người bố đã chết.
Theo đó, tại khoản 2 Điều 72 Bộ luật Dân sự 2015 quy định khi tuyên bố là đã chết quan hệ tài sản của người đó sẽ được giải quyết như đối với người đã chết, tài sản của người đó sẽ được giải quyết theo quy định pháp luật về thừa kế.
Như vậy, người bố bỏ đi từ năm 2005 nhưng không có bất kỳ thông tin xác thực nào về việc người bố còn sống hay đã qua đời thì những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoàn toàn có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố người bố đã chết để chia phần đất của bố trong thửa đất là tài sản chung của bố mẹ.
Đất là tài sản riêng của bố nhưng bố bỏ đi từ 2005, bây giờ mẹ muốn một mình đứng tên được không? (Hình từ Internet)
Tòa án đã tuyên bố người bố đã chết thì phân chia thửa đất là tài sản riêng của bố như thế nào?
Như đã phân tích ở trên, khi Tòa án tuyên bố người bố đã chết thì quan hệ tài sản của người bố được giải quyết như đối với người đã chết; tài sản được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.
(1) Chia di sản là đất theo di chúc
Theo Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 quy định di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Di chúc được xem là hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015.
Từ các quy định nêu trên, nếu người bố trước khi bỏ đi có để lại di chúc hợp pháp theo quy định pháp luật thì chia thừa kế theo ý chí của người bố trong nội dung di chúc.
Tuy nhiên, các trường hợp được quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 sau đây sẽ được thừa kế hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
- Con thành niên mà không có khả năng lao động.
(2) Chia di sản là đất theo pháp luật
Theo Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 các trường hợp sau đây sẽ áp dụng chia thừa kế theo pháp luật:
- Không có di chúc;
- Di chúc không hợp pháp;
- Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Bên cạnh đó, chia thừa kế theo pháp luật còn áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
- Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
- Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
- Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Theo đó, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống (Căn cứ Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015).
Lưu ý: Những người được hưởng thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật có quyền từ chối nhận di sản theo Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015
Ngoài ra, nếu những người thừa kế nêu trên thuộc các trường hợp quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 thì không được nhận di sản.
Đất là tài sản riêng của bố nhưng Tòa án đã tuyên bố người bố đã chết, bây giờ mẹ muốn một mình đứng tên đất đó được không?
Căn cứ theo phân tích ở nội dung trước, đất là tài sản riêng của bố thì khi bố bị tuyên bố là đã chết thì đất đó sẽ được chia thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Mẹ thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố và đồng thời cũng là người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, do đó, phần đất mà mẹ nhận được ít nhất phải bằng ⅔ suất của một người thừa kế theo pháp luật. Điều này đồng nghĩa với việc mẹ sẽ trở chủ sở hữu thửa đất là di sản bố để lại cùng với các đồng thừa kế khác (trừ trường hợp người mẹ không được nhận di sản hoặc từ chối nhận di sản theo quy định pháp luật). Vì vậy, mẹ sẽ không thể đứng tên một mình trên thửa đất đó mà tất cả các đồng thừa kế đều đứng tên mảnh đất này.
Tuy nhiên, mẹ có thể đứng tên một mình trên đất này trong các trường hợp sau đây:
Trường hợp 1: Mẹ mua lại phần đất của các đồng thừa kế trong thửa đất là di sản của bố
Tại khoản 3 Điều 218 Bộ luật Dân sự 2015 quy định trường hợp một chủ sở hữu chung theo phần bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua
Như vậy, người mẹ có thể thỏa thuận với các đồng sở hữu khác để mua lại phần đất thuộc sở hữu của họ trong thửa đất người bố để lại. Theo đó người mẹ sẽ trở thành chủ sở hữu duy nhất và đứng tên một mình trên thửa đất đó.
Trường hợp 2: Mẹ thỏa thuận với các đồng thừa kế để họ từ chối nhận phần đất được thừa kế trong thửa đất là di sản bố để lại
Nếu người mẹ thỏa thuận với những người đồng thừa kế khác để họ từ chối nhận di sản theo Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 thì người mẹ sẽ trở thành người duy nhất hưởng thừa kế thửa đất người bố để lại. Lúc này, người mẹ có thể thực hiện thủ tục công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế theo Điều 58 Luật Công chứng 2014 và sang tên thửa đất đó qua cho mình.
Như vậy, người mẹ không thể tự mình đứng tên trên thửa đất là tài sản riêng của người bố đã bị Tòa án tuyên bố là đã chết trừ khi được sự đồng thuận của các đồng thừa kế hoặc các đồng sở hữu thửa đất bố để lại. Tuy nhiên, mẹ có thể trở thành chủ sở hữu duy nhất và đứng tên một mình thửa đất đó trong hai trường hợp: (1) mua lại phần đất của các đồng sở hữu thửa đất hoặc (2) thỏa thuận để những người thừa kế từ chối nhận di sản.