Đất nông nghiệp không sử dụng liên tục sẽ bị Nhà nước thu hồi?
Nội dung chính
Đất nông nghiệp bao gồm các loại đất nào?
Tại khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định nhóm đất nông nghiệp bao gồm 7 loại đất, cụ thể các loại đất nông nghiệp sau đây:
- Đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác;
- Đất trồng cây lâu năm;
- Đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất;
- Đất nuôi trồng thủy sản;
- Đất chăn nuôi tập trung;
- Đất làm muối;
- Đất nông nghiệp khác bao gồm:
+ Đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm, thực nghiệm;
+ Đất xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, chăn nuôi kể cả các hình thức trồng trọt, chăn nuôi không trực tiếp trên đất;
+ Đất xây dựng công trình gắn liền với khu sản xuất nông nghiệp gồm đất xây dựng nhà nghỉ, lán, trại để phục vụ cho người lao động; đất xây dựng công trình để bảo quản nông sản, chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ và các công trình phụ trợ khác.
Đất nông nghiệp không sử dụng liên tục sẽ bị Nhà nước thu hồi?
Đất nông nghiệp không sử dụng liên tục sẽ bị Nhà nước thu hồi?
Cụ thể, theo Luật Đất đai 2024 thì Nhà nước thu hồi đất trong một số trường sau đây:
- Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh;
- Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
- Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;
- Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.
Theo đó, từ ngày 01/8/2024, chỉ khi thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì Nhà nước sẽ quyết định thu hồi đất.
Đối với đất nông nghiệp không sử dụng trong thời gian nhất định và đã bị xử phạt hành chính mà không đưa đất vào sử dụng theo thời hạn ghi trong quyết định xử phạt (trừ trường hợp bất khả kháng) thì bị Nhà nước thu hồi đất bởi đây được xem là hành vi vi phạm pháp luật về đất đai theo khoản 7 Điều 81 Luật Đất đai 2024, cụ thể về thời gian không sử dụng đối với từng loại đất nông nghiệp như sau:
- Đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản: Không được sử dụng trong thời gian 12 tháng liên tục;
- Đất trồng cây lâu năm: Không được sử dụng trong thời gian 18 tháng liên tục;
- Đất trồng rừng: Không được sử dụng trong thời gian 24 tháng liên tục.
Nhìn chung, Luật Đất đai 2024 đã mở rộng phạm vi thu hồi đối với các loại đất nông, cụ thể đã bổ sung thêm đất nuôi trồng thủy sản (Luật Đất đai 2013 không đề cập đến việc không sử dụng đất nuôi trồng thủy sản sẽ bị thu hồi nếu không sử dụng trong thời gian dài).
Như vậy từ 01/8/2024, chỉ có các loại đất nông nghiệp bao gồm đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sẽ bị thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai khi có đủ 2 điều kiện sau đây:
- Không sử dụng liên tục trong thời gian lâu dài (được pháp luật quy định về thời gian đối với từng loại đất trên)
- Đã bị xử phạt hành chính mà không đưa đất vào sử dụng theo thời hạn ghi trong quyết định xử phạt.
Trình tự thu hồi đất nông nghiệp do vi phạm pháp luật về đất đai năm 2024
Theo khoản 35 Điều 3 Luật Đất đai 2024 thì việc thu hồi đất được tiến hành sau khi có kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra có thẩm quyền về trường hợp phải thu hồi đất.
Cụ thể, trình tự thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai được thực hiện theo Điều 32 Nghị định 102/2024/NĐ-CP như sau:
Bước 1:
(1) Trường hợp hành vi vi phạm phải xử phạt vi phạm hành chính: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về kiến nghị thu hồi đất do người sử dụng đất vẫn tiếp tục vi phạm, cơ quan có chức năng quản lý đất đai trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất quy định tại Điều 83 Luật Đất đai 2024;
(2) Đối với các hành vi vi phạm không phải xử phạt vi phạm hành chính: Việc thu hồi đất được tiến hành sau khi có kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra có thẩm quyền về trường hợp phải thu hồi đất.
Bước 2: Sau khi nhận được văn bản và tài liệu của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Bước 1, trong thời hạn 30 ngày cơ quan có chức năng quản lý đất đai lập hồ sơ thu hồi đất trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất. Hồ sơ gồm:
- Tờ trình về việc thu hồi đất;
- Dự thảo Quyết định thu hồi đất theo mẫu số 01d tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 102/2024/NĐ-CP;
- Quyết định vi phạm hành chính/kết luận về trường hợp phải thu hồi đất.
Bước 3: Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (nếu có) trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ.
- Người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có trách nhiệm xử lý tài sản trên đất theo thời hạn quy định tại thông báo thu hồi đất kể từ ngày nhận được thông báo thu hồi đất nhưng không quá 45 ngày.
- Đối với trường hợp thu hồi đất theo quy định tại khoản 7 Điều 81 Luật Đất đai 2024 thì trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có quyết định thu hồi đất theo quy định, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thu hồi được thực hiện bán tài sản theo quy định của pháp luật.
Khi hết thời hạn nêu trên, người sử dụng đất thu hồi không thực hiện được việc bán tài sản của mình gắn liền với đất thì Nhà nước không bồi thường đối với tài sản gắn liền với đất. Chủ sở hữu tài sản phải tự tháo dỡ tài sản trả lại mặt bằng cho Nhà nước theo thời hạn ghi trong quyết định thu hồi đất, trường hợp không thực hiện thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cưỡng chế thu hồi đất theo quy định.
Trường hợp nhà đầu tư mua lại tài sản gắn liền với đất của người có đất thu hồi thì được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật
Bước 4: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo thu hồi đất, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền có trách nhiệm ban hành quyết định thu hồi đất và chỉ đạo việc tổ chức thực hiện quyết định thu hồi đất. Nếu người sử dụng đất không chấp hành thì bị cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đất.