Loading


Điều kiện tách thửa, hợp thửa đất nông nghiệp tại Hải phòng từ ngày 06/11/2024?

Điều kiện tách thửa, hợp thửa đất nông nghiệp tại Hải phòng từ ngày 06/11/2024? Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân tại Hải Phòng bao nhiêu?

Nội dung chính

    Điều kiện tách thửa, hợp thửa đất nông nghiệp tại Hải Phòng từ ngày 06/11/2024?

    Điều 12 Quyết định 31/2024/QĐ-UBND thành phố Hải Phòng quy định:

    Điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất đối với nhóm đất nông nghiệp
    1. Đất trồng cây hàng năm, diện tích thửa đất sau khi tách thửa, hợp thửa phải đảm bảo điều kiện sau:
    a) Thuộc địa bàn các xã đã thực hiện việc dồn điền, đổi thửa thì diện tích tối thiểu là 700 m2/thửa.
    b) Thuộc địa bàn các xã còn lại thì diện tích tối thiểu là 360 m2/thửa.
    c) Thuộc địa bàn các phường, thị trấn thì diện tích tối thiểu là 200 m2/thửa.
    2. Đất trồng cây lâu năm, diện tích thửa đất sau khi tách thửa, hợp thửa (trừ trường hợp đất trồng cây lâu năm trong cùng thửa đất ở) phải đảm bảo điều kiện sau:
    a) Thuộc địa bàn các xã thì diện tích tối thiểu là 300 m2/thửa.
    b) Thuộc địa bàn các phường, thị trấn thì diện tích tối thiểu là 150 m2/thửa.
    3. Đất nuôi trồng thủy sản, diện tích thửa đất sau khi tách thửa, hợp thửa phải đảm bảo tối thiểu là 1.000 m2/thửa.
    4. Đất nông nghiệp khác, diện tích thửa đất sau khi tách thửa, hợp thửa phải đảm bảo tối thiểu là 360 m2/thửa.
    5. Đất rừng sản xuất, diện tích thửa đất sau khi tách thửa, hợp thửa phải đảm bảo tối thiểu là 3.000 m2/thửa.
    6. Việc tách thửa đất, hợp thửa đất phải bảo đảm các nguyên tắc, điều kiện quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 220 Luật Đất đai.

    Căn cứ quy định trên, có thể hiểu, điều kiện tách thửa, hợp thửa đất nông nghiệp tại Hải Phòng gồm:

    - Điều kiện về diện tích tối thiểu đối với từng loại đất theo quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 12 Quyết định 31/2024/QĐ-UBND thành phố Hải Phòng như trên.

    - Các nguyên tắc, điều kiện chung về tách thửa đất, hợp thửa đất quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 220 Luật Đất đai 2024.

    - Không áp dụng quy định tách thửa đất đối với đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

    Điều kiện tách thửa, hợp thửa đất nông nghiệp tại Hải phòng từ ngày 06/11/2024?Điều kiện tách thửa, hợp thửa đất nông nghiệp tại Hải phòng từ ngày 06/11/2024? (Hình từ Internet)

    Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân tại Hải Phòng bao nhiêu?

    Điều 177 Luật Đất đai 2024 quy định:

    Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân
    1. Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 176 của Luật này.
    2. Việc xác định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp quy định tại khoản 1 Điều này phải căn cứ vào các yếu tố sau đây:
    a) Điều kiện về đất đai và công nghệ sản xuất;
    b) Chuyển dịch lực lượng lao động, cơ cấu kinh tế; quá trình đô thị hóa.
    3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

    Trong khi đó, Điều 7 Quyết định 31/2024/QĐ-UBND thành phố Hải Phòng quy định:

    Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân (thực hiện khoản 3 Điều 177 Luật Đất đai)
    Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 20 ha đối với mỗi loại đất.

    Căn cứ các quy định trên, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân tại Hải Phòng không quá 20 ha đối với mỗi loại đất.

    Diện tích đất xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp tại Hải Phòng được quy định như thế nào?

    Điều 8 Quyết định 31/2024/QĐ-UBND thành phố Hải Phòng quy định:

    Diện tích đất xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp (thực hiện khoản 3 Điều 178 Luật Đất đai)
    Diện tích đất nông nghiệp sử dụng để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp quy định khoản 3 Điều 178 Luật Đất đai như sau:
    1. Người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để sử dụng đất kết hợp đa mục đích theo quy định tại Điều 218 của Luật Đất đai được sử dụng tối đa không quá 10% diện tích đất sử dụng vào mục đích chính, trừ diện tích đất ở sử dụng kết hợp đa mục đích để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Trường hợp sử dụng đất trồng lúa thì thực hiện theo quy định tại Điều 182 của Luật Đất đai.
    2. Việc phân loại, phân cấp công trình xây dựng trên đất nông nghiệp được xác định theo quy định của pháp luật về xây dựng. Công trình xây dựng trên đất nông nghiệp để sử dụng đất kết hợp đa mục đích phải có quy mô, tính chất phù hợp, dễ dàng tháo dỡ, phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp như: lán; trại; kho để phục vụ sơ chế, bảo quản nông sản, chứa vật tư nông nghiệp, máy móc, dụng cụ lao động.

    Căn cứ quy định trên, người sử dụng đất nông nghiệp tại Hải Phòng được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để sử dụng đất kết hợp đa mục đích theo quy định của pháp luật được sử dụng tối đa không quá 10% diện tích đất sử dụng vào mục đích chính, trừ diện tích đất ở sử dụng kết hợp đa mục đích để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

    Trường hợp sử dụng đất trồng lúa thì người sử dụng đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa nhưng không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa trở lại theo quy định của pháp luật về trồng trọt; được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

    saved-content
    unsaved-content
    77