Hợp đồng EC có phải là hợp đồng xây dựng không?
Nội dung chính
Hợp đồng EC có phải là hợp đồng xây dựng không?
Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 3 Nghị định 37/2015/NĐ-CP về các loại hợp đồng xây dựng quy định như sau:
Các loại hợp đồng xây dựng
1. Theo tính chất, nội dung công việc hợp đồng xây dựng có các loại sau:
...
d) Hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng công trình (tiếng Anh là Engineering - Construction viết tắt là EC) là hợp đồng để thực hiện việc thiết kế và thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình; hợp đồng tổng thầu thiết kế và thi công xây dựng công trình là hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng tất cả các công trình của một dự án đầu tư xây dựng;
...
Như vậy, hợp đồng EC (Engineering - Construction) là một loại hợp đồng xây dựng. Theo quy định, hợp đồng này được sử dụng để thực hiện các công việc thiết kế và thi công xây dựng công trình hoặc hạng mục công trình.
Hợp đồng EC có phải là hợp đồng xây dụng không? (Hình từ Internet)
Căn cứ ký kết hợp đồng xây dựng đối với hợp đồng EC thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 9 Nghị định 37/2015/NĐ-CP về căn cứ ký kết hợp đồng xây dựng quy định như sau:
Căn cứ ký kết hợp đồng xây dựng
1. Các căn cứ ký kết hợp đồng xây dựng bao gồm các yêu cầu về công việc cần thực hiện được các bên thống nhất, kết quả lựa chọn nhà thầu, kết quả thương thảo, hoàn thiện hợp đồng và các căn cứ pháp lý áp dụng có liên quan.
2. Đối với hợp đồng EPC, EC, EP ngoài các căn cứ nêu ở Khoản 1 Điều này thì căn cứ ký kết hợp đồng còn bao gồm báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc thiết kế FEED được duyệt.
3. Đối với hợp đồng chìa khóa trao tay ngoài các căn cứ nêu ở Khoản 1 Điều này thì căn cứ ký kết hợp đồng còn bao gồm nhiệm vụ thực hiện dự án, chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng được phê duyệt.
Theo đó, căn cứ ký kết hợp đồng xây dựng đối với hợp đồng EC (Engineering - Construction) bao gồm:
- Các căn cứ chung được áp dụng cho mọi loại hợp đồng xây dựng, bao gồm:
+ Yêu cầu về công việc cần thực hiện được các bên thống nhất.
+ Kết quả lựa chọn nhà thầu thông qua đấu thầu hoặc chỉ định thầu.
+ Kết quả thương thảo, hoàn thiện hợp đồng.
+ Các căn cứ pháp lý áp dụng có liên quan, bao gồm các quy định của pháp luật về xây dựng, đấu thầu và hợp đồng.
- Căn cứ đặc thù đối với hợp đồng EC, ngoài các nội dung trên, còn bao gồm:
+ Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng đã được phê duyệt.
+ Thiết kế FEED (Front-End Engineering Design), nếu có, được duyệt trước khi ký kết hợp đồng.
Mức tạm ứng hợp đồng đối với hợp đồng EC thế nào?
Căn cứ điểm c khoản 5 Điều 18 Nghị định 37/2015/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 9 Nghị định 35/2023/NĐ-CP về tạm ứng hợp đồng xây dựng quy định như sau:
Tạm ứng hợp đồng xây dựng
...
5. Mức tạm ứng hợp đồng không được vượt quá 30% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết (bao gồm cả dự phòng nếu có). Trường hợp cần tạm ứng với mức cao hơn phải được người quyết định đầu tư cho phép. Đối với dự án mà người quyết định đầu tư là Thủ tướng Chính phủ, việc quyết định mức tạm ứng cao hơn do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định; mức tạm ứng tối thiểu được quy định như sau:
a) Đối với hợp đồng tư vấn:
- 15% giá hợp đồng đối với hợp đồng có giá trị trên 10 tỷ đồng.
- 20% giá hợp đồng đối với các hợp đồng có giá trị đến 10 tỷ đồng.
b) Đối với hợp đồng thi công xây dựng công trình:
- 10% giá hợp đồng đối với hợp đồng có giá trị trên 50 tỷ đồng.
- 15% giá hợp đồng đối với hợp đồng có giá trị từ 10 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng.
- 20% giá hợp đồng đối với các hợp đồng có giá trị dưới 10 tỷ đồng.
c) Đối với hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ, hợp đồng EC, EP, PC và EPC, hợp đồng chìa khóa trao tay và các loại hợp đồng xây dựng khác: 10% giá hợp đồng.
d) Trường hợp các bên thỏa thuận tạm ứng ở mức cao hơn mức tạm ứng tối thiểu nêu tại Điểm a, b, c Khoản này, thì phần giá trị hợp đồng tương ứng với mức tạm ứng hợp đồng vượt mức tạm ứng tối thiểu sẽ không được điều chỉnh giá kể từ thời điểm tạm ứng.
đ) Tiền tạm ứng được thu hồi dần qua các lần thanh toán, mức thu hồi của từng lần do hai bên thống nhất ghi trong hợp đồng nhưng phải bảo đảm tiền tạm ứng được thu hồi hết khi giá trị thanh toán đạt 80% giá hợp đồng đã ký kết.
...
Như vậy, mức tạm ứng hợp đồng đối với hợp đồng EC (Engineering - Construction) được quy định cụ thể như sau:
- Mức tạm ứng tối thiểu: 10% giá trị hợp đồng, áp dụng chung cho các hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ, hợp đồng EC, EP, PC, EPC, hợp đồng chìa khóa trao tay và các loại hợp đồng xây dựng khác.
- Mức tạm ứng tối đa:
+ Không vượt quá 30% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết (bao gồm cả phần dự phòng nếu có).
+ Nếu cần tạm ứng cao hơn mức này, phải có sự chấp thuận của người quyết định đầu tư là Thủ tướng Chính phủ quyết định, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định mức tạm ứng cao hơn.
- Điều kiện thu hồi tiền tạm ứng:
+ Tiền tạm ứng sẽ được thu hồi dần qua các lần thanh toán, theo mức do hai bên thống nhất và ghi trong hợp đồng.
+ Phải đảm bảo thu hồi toàn bộ tiền tạm ứng khi giá trị thanh toán đạt 80% giá trị hợp đồng đã ký kết.
Lưu ý rằng, nếu các bên thỏa thuận mức tạm ứng cao hơn mức tối thiểu nêu trên, phần giá trị hợp đồng tương ứng với mức tạm ứng vượt quá sẽ không được điều chỉnh giá kể từ thời điểm tạm ứng.