Loading


Nhận chuyển quyền sử dụng đất là gì? Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân là bao nhiêu?

Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân là bao nhiêu? Cơ quan nào quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân?

Nội dung chính

    Nhận chuyển quyền sử dụng đất là gì? Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân là bao nhiêu?

    Căn cứ vào khoản 12 Điều 3 Luật Đất đai 2024 định nghĩa về chuyển quyền sử dụng đất như sau:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    ...
    12. Chuyển quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác thông qua hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
    ...

    Như vậy, có thể hiểu nhận chuyển quyền sử dụng đất là việc nhận chuyển giao quyền sử dụng đất từ người chuyển quyền thông qua hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

    Theo quy định tại Điều 177 Luật Đất đai 2024 như sau:

    Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân
    1. Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 176 của Luật này.
    2. Việc xác định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp quy định tại khoản 1 Điều này phải căn cứ vào các yếu tố sau đây:
    a) Điều kiện về đất đai và công nghệ sản xuất;
    b) Chuyển dịch lực lượng lao động, cơ cấu kinh tế; quá trình đô thị hóa.
    3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

    Mặc khác, hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân được quy định tại Điều 176 Luật Đất đai 2024:

    Hạn mức giao đất nông nghiệp
    1. Hạn mức giao đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được quy định như sau:
    a) Không quá 03 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long;
    b) Không quá 02 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.
    2. Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho cá nhân không quá 10 ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30 ha đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.
    3. Hạn mức giao đất cho cá nhân không quá 30 ha đối với mỗi loại đất:
    a) Đất rừng phòng hộ;
    b) Đất rừng sản xuất là rừng trồng.

    Như vậy, từ các căn cứ pháp lý trên, thì hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân được xác định như sau:

    (1) Đối với đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp:

    - Không quá 45 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long;

    - Không quá 30 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.

    (2) Đối với đất trồng cây lâu năm cho cá nhân:

    - Không quá 150 ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng.

    - Không quá 450 ha đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.

    (3) Đối với đất rừng:

    - Không quá 450 ha đối với đất rừng phòng hộ.

    - Không quá 450 ha đối với đất rừng sản xuất là rừng trồng.

    Nhận chuyển quyền sử dụng đất là gì? Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân là bao nhiêu?

    Nhận chuyển quyền sử dụng đất là gì? Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân là bao nhiêu? (Hình từ Internet)

    Quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp có phải là quyền của Nhà nước?

    Căn cứ vào Điều 13 Luật Đất đai 2024 như sau:

    Quyền của Nhà nước là đại diện chủ sở hữu về đất đai
    1. Quyết định quy hoạch sử dụng đất.
    2. Quyết định mục đích sử dụng đất thông qua quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
    3. Quy định hạn mức sử dụng đất gồm hạn mức giao đất nông nghiệp, hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.
    4. Quyết định thời hạn sử dụng đất.
    5. Quyết định thu hồi đất.
    6. Quyết định trưng dụng đất.
    7. Quyết định giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất.
    8. Quyết định cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
    9. Công nhận quyền sử dụng đất.
    10. Quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất; ban hành bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể.
    11. Quyết định chính sách tài chính về đất đai; điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại.
    12. Quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất phù hợp với hình thức giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nguồn gốc sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.

    Như vậy, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu về đất đai có quyền quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.

    Cơ quan nào quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân?

    Căn cứ khoản 2, 3 Điều 177 Luật Đất đai 2024 quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân như sau:

    Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân
    ...
    2. Việc xác định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp quy định tại khoản 1 Điều này phải căn cứ vào các yếu tố sau đây:
    a) Điều kiện về đất đai và công nghệ sản xuất;
    b) Chuyển dịch lực lượng lao động, cơ cấu kinh tế; quá trình đô thị hóa.
    3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

    Như vậy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân nhưng phải căn cứ vào các tiêu chí như:

    - Điều kiện cụ thể của địa phương.

    - Điều kiện về đất đai và công nghệ sản xuất.

    - Chuyển dịch lực lượng lao động, cơ cấu kinh tế; quá trình đô thị hóa.

    saved-content
    unsaved-content
    60