Đất nuôi trồng thủy sản có thuộc nhóm đất nông nghiệp hay không? Đất nông nghiệp khác là gì?
Nội dung chính
Đất nuôi trồng thủy sản có thuộc nhóm đất nông nghiệp hay không? Đất nông nghiệp khác là gì?
(1) Đất nuôi trồng thủy sản có thuộc nhóm đất nông nghiệp hay không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024:
Phân loại đất
...
Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
a) Đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác;
b) Đất trồng cây lâu năm;
c) Đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất;
d) Đất nuôi trồng thủy sản;
đ) Đất chăn nuôi tập trung;
e) Đất làm muối;
g) Đất nông nghiệp khác.
Cùng với đó căn cứ vào khoản 4 Điều 4 Nghị định 102/2024/NĐ-CP:
Quy định chi tiết loại đất trong nhóm đất nông nghiệp
...
4. Đất nuôi trồng thủy sản là đất sử dụng chuyên vào mục đích nuôi, trồng thủy sản.
Theo đó, đất nuôi trồng thủy sản thuộc nhóm đất nông nghiệp. Cụ thể, đây là loại đất được sử dụng chuyên vào mục đích nuôi, trồng các loài thủy sản. Loại đất này là một trong những thành phần quan trọng của nhóm đất nông nghiệp, cùng với đất trồng cây, đất lâm nghiệp, đất chăn nuôi, đất làm muối và đất nông nghiệp khác.
(2) Đất nông nghiệp khác là gì?
Căn cứ vào khoản 7 Điều 4 Nghị định 102/2024/NĐ-CP:
Quy định chi tiết loại đất trong nhóm đất nông nghiệp
...
7. Đất nông nghiệp khác gồm:
a) Đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm, thực nghiệm;
b) Đất xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, chăn nuôi kể cả các hình thức trồng trọt, chăn nuôi không trực tiếp trên đất;
c) Đất xây dựng công trình gắn liền với khu sản xuất nông nghiệp gồm đất xây dựng nhà nghỉ, lán, trại để phục vụ cho người lao động; đất xây dựng công trình để bảo quản nông sản, chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ và các công trình phụ trợ khác.
Theo quy định nêu trên, đất nông nghiệp khác bao gồm các loại đất phục vụ mục đích đặc thù trong sản xuất nông nghiệp, cụ thể:
- Đất ươm tạo cây giống, con giống; đất trồng hoa, cây cảnh; đất dùng cho hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phục vụ học tập, nghiên cứu, thí nghiệm hoặc thực nghiệm.
- Đất xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, bao gồm cả các hình thức sản xuất không trực tiếp trên đất.
- Đất xây dựng công trình gắn liền với khu sản xuất nông nghiệp, như nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động, nhà bảo quản nông sản, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ, cùng các công trình phụ trợ khác.
Như vậy, đất nông nghiệp khác không chỉ bao gồm đất canh tác mà còn mở rộng tới các hoạt động hỗ trợ và nghiên cứu liên quan đến nông nghiệp.
Đất nuôi trồng thủy sản có thuộc nhóm đất nông nghiệp hay không? Đất nông nghiệp khác là gì? (Hình từ Internet)
Ai có thể được xem là cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp?
Căn cứ vào Điều 3 Nghị định 102/2024/NĐ-CP:
Cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp
Cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là cá nhân đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp mà có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó, trừ các trường hợp sau đây:
1. Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan tại ngũ, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng, sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu và người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước;
2. Người hưởng lương hưu;
3. Người nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng;
4. Người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Theo quy định trên, người được sử dụng đất nông nghiệp là cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, bao gồm những người đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất đó.
Tuy nhiên, một số đối tượng không được xem là cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, bao gồm:
- Cán bộ, công chức, viên chức, và các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước như sĩ quan tại ngũ, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng, sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu.
- Người hưởng lương hưu.
- Người nghỉ mất sức lao động hoặc thôi việc, hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.
- Người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Việc quy định như trên nhằm đảm bảo đất nông nghiệp được sử dụng đúng mục đích và ưu tiên cho các đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Người sử dụng đất nông nghiệp được sử dụng đất thông qua những hình thức nào?
Cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được sử dụng đất thông qua hai hình thức chính:
(1) Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai 2024, theo đó, Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất nông nghiệp nằm trong hạn mức được quy định tại Điều 176 Luật Đất đai 2024.
(2) Nhà nước cho thuê đất:
Căn cứ theo quy định tại Điều 120 Luật Đất đai 2024, Nhà nước cho thuê đất khi cá nhân sử dụng đất nông nghiệp vượt quá hạn mức được giao.