Lạm quyền ký cấp sổ đỏ có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?
Nội dung chính
Lạm quyền ký cấp sổ đỏ có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 357 Bộ Luật hình sự 2015 có điều khoản được bổ sung bởi điểm s khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) thì:
Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Theo quy định, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vượt quá thẩm quyền, làm trái công vụ vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác và gây thiệt hại tài sản hoặc quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Các mức phạt tù được quy định cụ thể như sau:
Phạt tù từ 1 năm đến 7 năm nếu:
- Gây thiệt hại về tài sản từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng.
- Gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân.
Phạt tù từ 5 năm đến 10 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
- Có tổ chức.
- Phạm tội từ 02 lần trở lên.
- Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Phạt tù từ 10 năm đến 15 năm nếu gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng.
Phạt tù từ 15 năm đến 20 năm nếu gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên.
Ngoài án phạt tù, người phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung:
- Cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
- Có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Như vậy, lạm quyền ký cấp sổ đỏ là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ thiệt hại và hành vi cụ thể.
Lạm quyền ký cấp sổ đỏ có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không? (Hình từ Internet)
Thẩm quyền cấp sổ đó lần đầu được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai 2024:
Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
1. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu đối với các trường hợp đăng ký lần đầu mà có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và trường hợp quy định tại điểm b khoản 7 Điều 219 của Luật này được quy định như sau:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định tại các khoản 1, 2, 5, 6 và 7 Điều 4 của Luật này.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ủy quyền cho cơ quan có chức năng quản lý đất đai cùng cấp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp quy định tại khoản này;
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 4 của Luật này.
Thẩm quyền cấp sổ đỏ lần đầu được phân chia như sau:
(1) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
- Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận cho các đối tượng sau:
- Tổ chức trong nước: Bao gồm cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng, đơn vị vũ trang nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức sự nghiệp công lập, và tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.
- Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao: Gồm các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, và các cơ quan thuộc Liên hợp quốc hoặc liên chính phủ.
- Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.
- Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
- UBND cấp tỉnh có thể ủy quyền cho cơ quan quản lý đất đai cùng cấp thực hiện việc cấp sổ đỏ cho các đối tượng trên.
(2) Ủy ban nhân dân cấp huyện:
- UBND cấp huyện cấp Giấy chứng nhận cho các đối tượng sau:
- Cá nhân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam.
- Cộng đồng dân cư.
Thời gian cấp sổ lần đầu là bao lâu?
Theo khoản 1 Điều 22 Nghị định 101/2024/NĐ-CP:
Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
1. Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu là không quá 20 ngày làm việc; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu là không quá 03 ngày làm việc.
Như vậy, thời gian cấp Sổ lần đầu là không quá 23 ngày làm việc (trước đây là không quá 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ).